Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI năm 2011, Đảng điều chỉnh Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng không chỉ tiếp tục khẳng định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà còn đưa vào văn kiện này những nội dung mới, phù hợp với những xu thế lớn của thời đại; đề ra mục tiêu, phương hướng và định hướng lớn phát triển đất nước.
Thực tiễn 10 năm xây dựng và phát triển đất nước, Cương lĩnh 2011 đã khẳng định giá trị là ngọn cờ tư tưởng lý luận, là kim chỉ nam của Đảng dẫn dắt toàn dân tộc tiếp tục vững vàng và đẩy mạnh công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Cương lĩnh là văn bản kết tinh trí tuệ, phản ánh năng lực của một chính đảng. Giá trị của một cương lĩnh thể hiện trên 3 bình diện cơ bản. Đó là: cương lĩnh tạo cơ sở thống nhất ý chí và hành động của toàn đảng; Cương lĩnh là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết các lực lượng xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu, lý tưởng của đảng; Đồng thời, Cương lĩnh có giá trị định hướng, chỉ đạo chiến lược to lớn, toàn diện đối với sự nghiệp phát triển của một đất nước.
Từ năm 2011 đến nay, Đại hội XI, XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trên cơ sở quán triệt, vận dụng sáng tạo Cương lĩnh 2011, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận nhằm cụ thể hóa, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng.
Tham gia chuẩn bị Văn kiện nhiều nhiệm kỳ của Đảng, đặc biệt là dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, PGS, TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Cương lĩnh 2011 đã hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới; những vấn đề căn cốt nhất, những nguyên tắc và định hướng căn bản nhất trong đường lối xây dựng, bảo vệ đất nước trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội với tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI.
“Qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, chúng ta đã khái quát về sự phát triển lý luận và đặc biệt là khái quát về thực tiễn. Trên cơ sở nhận định về phát triển lý luận và thực tiễn của Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 có khẳng định giá trị Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao gồm cả Cương lĩnh 1991 và Cương lĩnh bổ sung phát triển 2011. Chúng ta khẳng định rằng Cương lĩnh vẫn là ngọn cờ tư tưởng lý luận, ngọn cờ chiến đấu và ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh.
Đặc trưng cơ bản bao trùm, tổng quát được Cương lĩnh 2011 nêu ra đó là mô hình chủ nghĩa xã hội, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và được bổ sung thêm các đặc trưng: “Do nhân dân làm chủ” và “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. 10 năm qua, Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu đạt được càng khẳng định tính ưu Việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà các nước tư bản không thể có được. Qua đó cũng cho thấy nền dân chủ của tuyệt đại đa số nhân dân, gắn với công bằng và tiến bộ xã hội trong từng bước phát triển và từng chính sách phát triển.
PGS.TS Lưu Văn An, quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: “Người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc xây dựng xã hội hiện nay. Tôi nghĩ rằng, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và người dân tốt đẹp hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ dân chủ được mở rộng như bây giờ. Huy động được đông đảo lực lượng nhân dân tham gia đấy chính là nền tảng để chúng ta vững bước đi vào chiều sâu và thực hiện mục tiêu, phương hướng mà Cương lĩnh từ Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011 đã vạch ra”.
Trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta được phục hồi và luôn duy trì ở mức khá cao. Năm 2020, dù chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn được xếp vào nước có mức tăng trưởng cao. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược tạo nên bước chuyển biến tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được xác lập đầy đủ theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập.
GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Những thành tựu đạt được càng khẳng định tính ưu Việt mà con đường Đảng ta đã chọn. Qua đó củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và của nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đó cũng là giá trị thực tiễn lớn nhất của Cương lĩnh 2011.
“Từ khi thực hiện Cương lĩnh đến nay đã tạo động lực cho toàn dân tham gia phát triển kinh tế xã hội. Nếu không có chuyển hướng từ lợi ích nhà nước, lợi ích tập thể thì mở ra lợi ích cá nhân là động lực phát triển. Đến Đại hội XII càng nhấn mạnh vai trò kinh tế tư nhân để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đó là điều trước đây chúng ta không quan tâm lắm. Tôi cho đấy là đóng góp lớn về mặt phát triển. Nếu không có động lực dân chủ thì chắc chắn không có thành tựu như hiện nay”, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn phân tích thêm.
Một điểm đáng chú ý đó là Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 đề cập: ''Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: Sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự tha hoá, biến chất của cán bộ, đảng viên''. Thời gian qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng đã đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đã có 131.000 đảng viên bị thi hành kỷ luật trong 8 năm qua, riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật 87.000 cán bộ, đảng viên trong đó, có hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý… đã thể hiện rõ tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.
PGS.TS Nguyễn Văn Yên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật khẳng định: kết quả công tác phòng chống tham nhũng trong 10 năm qua, mà gần hơn là trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng thêm một lần nữa xác lập, củng cố tính đúng đắn của Cương lĩnh 2011.
“Thực hiện Cương lĩnh 2011 đến nay, theo tôi bây giờ cần chú ý chống tham nhũng. Đây là vấn đề khá tế nhị, phức tạp. Nhiệm kỳ khóa XII đã xử lý hơn 100 cán bộ cao cấp, cả quân đội, tướng lĩnh công an... cho thấy tham nhũng thực sự rất nguy hiểm, Bác Hồ nói đó là giặc nội xâm. Làm sụp đổ chúng ta là tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Vì vậy phải cố gắng khắc phục và lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng”, PGS.TS Nguyễn Văn Yên nêu rõ.
Thực tiễn 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 gắn với 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo nói chung, giá trị thực tiễn của Cương lĩnh 2011 nói riêng. Kiên định và đổi mới sáng tạo chính là phương pháp biện chứng để Cương lĩnh thật sự là ngọn cờ tư tưởng lý luận, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và là kim chỉ nam hành động có giá trị bền vững, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn dân trên con đường đi tới một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Lại Hoa/VOV1