Nhân sự Đại hội Đảng: Khách quan, dân chủ, kỹ lưỡng, bảo đảm thành công Đại hội XIII

  • 04/01/2021 12:00:00
  • Thành Công - Quang Tuấn
  • Chính trị
  • 0

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nhận định về công tác nhân sự Đại hội XIII.

 

Qua theo dõi các hội nghị Trung ương về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XIII, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nhận định, công tác nhân sự đã được thực hiện khách quan, dân chủ, thống nhất và rất chặt chẽ, kỹ lưỡng. Phóng viên Báo TNVN đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hà về vấn đề này.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.

Thưa ông, qua theo dõi các hội nghị Trung ương, ông đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới?

Có thể nói công tác chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng được Ban Chấp hành Trung  ương (BCHTW), Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chủ động chuẩn bị từ rất sớm, chính thức từ Hội nghị TW8 (tháng 10/2017). BCHTW đã thành lập các tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIII, với 5 tiểu ban, gồm: Tiểu ban văn kiện và Tiểu ban nhân sự do đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban kinh tế - xã hội do Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban tổ chức phục vụ đại hội do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực ban Bí thư làm Trưởng tiểu ban.

Sau Hội nghị TW8, các tiểu ban đã tích cực chủ động và khẩn trương bắt tay ngay vào công việc. Như vậy có thể nói, từ Hội nghị TW8 đến Hội nghị TW14 chúng ta đã làm rất nhiều việc, nhưng có thể nói một nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của các hội nghị TW này là công tác chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng.

Nói đến công tác nhân sự của Đại hội XIII, tức là nói đến công tác chuẩn bị nhân sự BCHTW, nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhân sự các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của đại hội. Chính vì vậy, công tác nhân sự Đại hội XIII được chỉ đạo tập trung, thống nhất và rất chặt chẽ, kỹ lưỡng, thận trọng. Làm thế nào để công tác nhân sự phải thực sự phát huy dân chủ, bảo đảm khách quan, công tâm, công khai, minh bạch và làm đến đâu chắc đến đó, để đạt được mục tiêu cuối cùng là kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng vào BCHTW khóa XIII. Những người không xứng đáng, đó là những người cơ hội chính trị, chạy chức chạy quyền, tham vọng quyền lực; đó là những người dính vào tham nhũng. Đó chính là tư tưởng chỉ đạo của BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đặc biệt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn đi nhấn lại rất nhiều lần vấn đề này.

Với những tư tưởng chỉ đạo như vậy, lần này, trung ương vừa tổng kết rút kinh nghiệm công tác chuẩn bị nhân sự của các kỳ đại hội trước để xây dựng phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII với tinh thần vừa kế thừa, vừa có đổi mới phát triển và đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng. Làm thế nào để chúng ta bầu ra một BCHTW khóa XIII thực sự là một tập thể trong sạch vững mạnh, đoàn kết thống nhất, tiêu biểu cho phẩm chất và trí tuệ của toàn Đảng, tất cả phải vì lợi ích của quốc gia, lợi ích của Đảng, lợi ích của nhân dân.

Với những mục tiêu đặt ra như vậy, công tác nhân sự của Đại hội XIII được chuẩn bị từng bước, từng việc, từng khâu đều rất thận trọng, tỷ mỷ, kỹ lưỡng và chắc chắn.

Quy trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XIII chặt chẽ, thận trọng.

Theo ông, đâu là những điểm mới trong công tác cán bộ Đại hội XIII?

Trước đây chúng ta thực hiện việc giới thiệu nhân sự theo quy trình 3 bước, lần này chúng ta thực hiện theo quy trình 5 bước. Đây là điểm mới trong công tác nhân sự, nhằm bảo đảm chặt chẽ, khách quan, dân chủ hơn. Trước đây 3 bước thì 3 lần rà soát, 3 lần thẩm định, 3 lần lấy phiếu. Bây giờ 5 bước thì 5 lần rà soát, 5 lần thẩm định, 5 lần lấy phiếu. Như vậy quy trình giới thiệu nhân sự được mở rộng thành phần hơn, dân chủ hơn, tập trung trí tuệ hơn, khách quan hơn, nhiều chiều thông tin chính xác hơn.

Việc chuẩn bị nhân sự, trước tiên là chuẩn bị nhân sự BCHTW, sau là nhân sự Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sau đó mới tiếp đến nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Khi chuẩn bị nhân sự sẽ ưu tiên chuẩn bị nhân sự đủ điều kiện tái cử trước, sau đó chuẩn bị đến nhân sự tham gia lần đầu, và cuối cùng là xem xét những trường hợp đặc biệt.

Trường hợp đặc biệt là thế nào? Bộ Chính trị xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng, nhiều mặt rồi mới quyết định trình ra BCHTW. BCHTW lại xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng, nhiều mặt rồi mới quyết định giới thiệu với Đại hội để Đại hội quyết định.

Từ những việc TW đã làm, đang làm và tới đây sẽ làm, chúng ta có thể thấy quy trình chuẩn bị nhân sự lần này rất kỹ lưỡng, rất chặt chẽ, rất thận trọng, bởi đây là vấn đề quan trọng nhất của Đại hội XIII.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự để bảo đảm công tâm, khách quan, trong sáng, không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, không đủ đức, không đủ tài dẫn đến hại nước, hại dân. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc chuẩn bị công tác nhân sự, thưa ông?

Nếu ở những kỳ đại hội trước, quy định tiêu chuẩn đại biểu đi dự đại hội đặt ra chung chung, không cụ thể thì lần này trung ương quy định rõ các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, năng lực công tác, kinh nghiệm, sức khỏe… đối với các đại biểu dự Đại hội XIII. Các đại biểu dự đại hội tham gia tất cả các công việc quan trọng, các quyết định của đại hội, trong đó có 2 quyết định quan trọng là: Thứ nhất, các đại biểu tham gia thảo luận, bổ sung, đóng góp và quyết định những quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước không chỉ trong 5 năm mà còn là 10 năm, 25 năm. Thứ hai, với các lá phiếu của mình, các đại biểu tham gia bầu ra BCHTW mới, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.

Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm quy chế bầu cử, quy chế làm việc của các đại hội trước, Hội nghị 14 vừa qua đã thảo luận, tham gia đóng góp vào quy chế làm việc, quy chế bầu cử Đại hội XIII, xác định rõ trách nhiệm của đại biểu, đặc biệt là đại biểu giới thiệu, đề cử đại biểu tham gia BCHTW phải có trách nhiệm về việc giới thiệu, đề cử của mình.

Một thực tế, tại những kỳ đại hội trước khi người đề cử, giới thiệu một người nhưng sau đó người được đề cử lại vi phạm, không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện… thì chưa có cơ sở nào để xem xét trách nhiệm của người đề cử, giới thiệu. Lần này, Đại hội XIII quy định rõ trách nhiệm của người đề cử, giới thiệu. Đại biểu có quyền ứng cử, đề cử, giới thiệu nhưng người giới thiệu phải nắm rất chắc về người mà mình giới thiệu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hay không, uy tín có đảm bảo không, có xứng đáng không... Nếu sau này người được đề cử, giới thiệu có vấn đề, không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện thì tùy theo mức độ nặng nhẹ để xác định trách nhiệm của người giới thiệu, đề cử theo quy định của Điều lệ Đảng.

Có nhiều chuyên gia cho rằng, trong điệu kiện Việt Nam đang hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới thì đội ngũ cán bộ của chúng ta đòi hỏi phải có tâm, có tài, có khả năng quản trị tốt, hiểu biết sâu, rộng các tổ chức quốc tế. Theo quan điểm của ông, vấn đề này như thế nào?

Chủ trương của Đảng là chúng ta phải chủ động tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả hội nhập. Trong Nghị quyết số 26 của BCHTW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đã đặt ra rất rõ, rất cụ thể vấn đề này. Tôi cho rằng nghị quyết này đặc biệt nhấn mạnh đến đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là cấp TW.

Nghị quyết nêu rõ, chúng ta phải xây dựng đội ngũ cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Muốn đáp ứng được những yêu cầu này, cán bộ cần có trình độ, kiến thức rất sâu rộng về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức khoa học, kỹ thuật, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay. Đồng thời phải hiểu luật pháp quốc tế, kinh tế thị trường.

Trong bối cảnh chúng ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng có nhiều cám dỗ, nhiều cạm bẫy. Nếu cán bộ không có cái tâm, cái đức, không đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết thì sẽ rất dễ bị sa bẫy, sa ngã hoặc gây thiệt hại cho đất nước./.

Xin cảm ơn ông!

Thành Công - Quang Tuấn thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận