'Không để tham nhũng vặt hôm nay thành tham nhũng lớn ngày mai'

"Tham nhũng vặt" được ví như căn bệnh ngứa ghẻ thường xuyên làm khổ người dân và doanh nghiệp, gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin và ảnh hưởng đến sự phát triển.

 

“Đánh giá tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm là không chủ quan”

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 cuối tuần qua, ông Trần Ngọc Liêm - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đồng tình với nhận định tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Theo ông Liêm, đánh giá này phản ánh đúng những kết quả nỗ lực của các cấp, các ngành và nói lên bước đầu đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Trung ương 3 khoá X và chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng.

“Việc đánh giá tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm là không chủ quan. Mặc dù có ý kiến băn khoăn về căn cứ để đánh giá nhưng những kết quả cụ thể, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ, đánh giá cao của nhân dân, cán bộ, đảng viên, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đã khẳng định điều đó” – ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.

Năm 2007, khi chúng ta mới bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X và Luật phòng, chống tham nhũng, tình hình tham nhũng diễn ra rất nghiêm trọng và được coi là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Cũng trong năm đó, Tổ chức Minh bạch quốc tế đã khảo sát, xếp hạng Việt Nam đứng thứ 123/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đó cho thấy mức độ rất nghiêm trọng của tình hình từ góc nhìn của người dân, của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế.

Đến năm 2012, tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng cho thấy chúng ta đã làm được rất nhiều việc, tạo được những chuyển biến nhất định nhưng tham nhũng vẫn còn trầm trọng. Việt Nam vẫn tiếp tục đứng thứ 123 trên bảng xếp hạng quốc tế.

“Nhưng cũng từ đó đến nay, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự quyết liệt trong lãnh đạo, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhất là vai trò đặc biệt quan trọng của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chúng ta đạt được những kết quả tích cực. Việt Nam xếp hạng thứ 96, vượt 27 bậc so với năm 2012” – ông Trần Ngọc Liêm dẫn chứng và khẳng định đó là một nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam.

Chính vì vậy, theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, việc đánh giá tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm là phản ánh khách quan, sát với tình hình và là minh chứng thể hiện rõ nét vai trò quan trọng của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kể từ khi thành lập đến nay (2013) và trong thời gian tới.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm: Tham nhũng vặt vẫn còn diễn ra phức tạp, tinh vi.

Không để tham nhũng vặt thành tham nhũng lớn

Thời gian qua, trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để sách nhiễu, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan...

Tình trạng trên còn được gọi là “tham nhũng vặt”, ví như căn bệnh ngứa ghẻ thường xuyên làm khổ người dân và doanh nghiệp, gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có những chỉ đạo quyết liệt, Chính phủ cũng khẩn trương triển khai các biện pháp để phòng, chống tham nhũng vặt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp theo yêu cầu của Chỉ thị và đạt được những kết quả bước đầu.

Mặc dù vậy, theo ông Trần Ngọc Liêm, tình trạng tham nhũng vặt vẫn còn diễn ra phức tạp, tinh vi. Dư luận quần chúng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn bức xúc với những biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà mà bản chất nhằm mục đích vòi vĩnh, tiêu cực, vụ lợi. Tình trạng đó không những làm phát sinh chi phí không chính thức trong giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước mà nghiêm trọng hơn là xâm phạm tính đúng đắn trong hoạt động quản lý của Nhà nước, làm xói mòn niềm tin và làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

“Trong thời gian tới cần tiếp tục có những biện pháp cụ thể, kiên quyết hơn nhằm giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng này” – ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh và cho rằng, để làm được điều đó thì từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ của mình đều phải nỗ lực góp sức, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, trong đó có vai trò của thanh tra.

Mặc dù thời gian qua thanh tra kết luận, chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng để từ đó các cơ quan điều tra khám phá xử lý vụ án tham nhũng, trong đó có những vụ án lớn thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Liêm, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra Nhà nước trong việc phòng, chống tham nhũng vặt, phát hiện, xử lý hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà mới đạt kết quả bước đầu và còn hạn chế.

“Có những nguyên nhân khách quan nhưng nhìn chung phần nhiều vẫn là nguyên nhân chủ quan” – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ và khẳng định thời gian tới, ngành thanh tra sẽ tiếp tục tập trung thanh tra đối với ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng tiêu cực; đặc biệt sẽ lựa chọn thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật ở những khâu, lĩnh vực xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận, biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực.

“Ngành thanh tra kiên quyết kiến nghị xử lý nghiêm đối với các trường hợp có dấu hiệu tội phạm với phương châm hành động kiên quyết, chống mọi biểu hiện tham nhũng, xử nghiêm, xử mạnh theo đúng quy định của pháp luật, không để tham nhũng vặt ngày hôm nay trở thành tham nhũng lớn của ngày mai” – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nói./.

Ngọc Thành/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận