Sáng 11/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện Nghị quyết 76 năm 2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên đầu tư nhiều nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, giao nguồn lực ổn định cho các địa phương để chủ động thực hiện, tạo điều kiện hỗ trợ người nghèo nâng cao thu nhập, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn khoảng 24% vào cuối năm nay. 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Dự kiến hết năm nay có 32 huyện thoát khỏi diện huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra.
Tính đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã cho vay hơn 219.500 tỷ đồng, tăng hơn 77.000 tỉ đồng so với cuối năm 2015. Lãi suất cho vay giảm còn 6,6% một năm đối với hộ nghèo; 7,92% một năm đối với hộ cận nghèo và 8,25% đối với hộ thoát nghèo. Cùng với đó là điều chỉnh mức cho vay đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng một hộ lên tối đa 100 triệu đồng, thời gian vay kéo dài từ 5 năm lên 10 năm. Trong giai đoạn 2016-2018, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cũng đã cho gần 1.000 lao động vay để đi làm việc ở nước ngoài, bình quân khoảng 82 triệu đồng một người.
Với việc Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đến nay rất nhiều huyện nghèo, xã nghèo được đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, không chỉ tạo điều kiện phát triển kinh tế mà còn đảm bảo đời sống tinh thần. Phổ cập giáo dục mầm non đã đạt 99,9% số xã. Khoảng 96% thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế.
Trước khó khăn của đại dịch COVID-19, tháng 4 năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42 và Thủ tướng ban hành Quyết định 15 về các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Các địa phương đã phê duyệt danh sách hơn 16 triệu người thuộc nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí 17.500 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân được 12.438 tỉ đồng.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo còn một số tồn tại. Nếu như năm 2015, chuẩn nghèo thu nhập bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu thì hiện nay, chỉ còn bằng 45% mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo bằng chuẩn mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 76 năm 2014 của Quốc hội. Tình trạng phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên thiên tai, bão lũ. Trong đó, giai đoạn 2016-2019, mỗi năm phát sinh gần 22% hộ nghèo so với tổng số hộ thoát nghèo. Tỷ lệ tái nghèo bình quân vẫn còn 4,09% so với tổng số hộ thoát nghèo. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhiều nơi còn tới trên 50%. Trong số hộ nghèo thì tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số chiếm trên 58%.
Dù Nhà nước dành nhiều nguồn lực nhưng nhìn chung, đầu tư cho hộ nghèo, vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được nhu cầu. Còn sự bất cập trong lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình dự án khác về giảm nghèo. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số học trung học phổ thông còn thấp, nhiều địa phương không bố trí được việc làm cho người học cử tuyển sau khi tốt nghiệp./.
Vũ Dũng/VOV1