Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Thi đua phải tránh hình thức

Công tác khen thưởng phải phù hợp với thành tích và kết quả đạt được. Thi đua là để đào tạo, rèn luyện, tránh hình thức.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra tại Hà Nội, sáng 10/12.

Mọi thành quả đều gắn liền thi đua yêu nước

Dẫn lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ sự thành công trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong hơn 70 năm qua đã khẳng định giá trị đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Mọi thành quả của cách mạng nước ta đều gắn liền với việc tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trải qua chặng đường dài lịch sử xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua Ái quốc luôn phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp; đã cổ vũ, động viên cả dân tộc nỗ lực thi đua thể hiện lòng yêu nước, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, vươn lên đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với các phong trào thi đua quy mô toàn quốc, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đều có những phong trào thi đua, với nhiều hình thức tổ chức phong phú, nội dung thiết thực, động viên và lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh: Trọng Phú

Nhờ có sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, 5 năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi để phát triển, cũng như nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì ở mức hợp lý nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Việt Nam đã được đánh giá là một trong số 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch, đạt tăng trưởng dự kiến từ 2,5 đến 3% trong năm 2020. Văn hoá, xã hội tiếp tục có tiến bộ; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được bảo đảm; công tác giảm nghèo, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, người có hoàn cảnh khó khăn; chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được triển khai tích cực.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được duy trì, đạt nhiều kết quả ấn tượng. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, tăng cường; chủ quyền quốc gia, môi trường hoà bình được bảo đảm. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

“Những thành tích đạt được trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 5 năm qua có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định và cho rằng phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam.

Khen thưởng phải chính xác, kịp thời, minh bạch

Thống nhất với nhận định của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng về những mặt còn hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ ra rằng, hạn chế lớn nhất là còn nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng có hiệu quả. Việc tuyên truyền, tổ chức học tập, áp dụng mô hình mới còn ít được quan tâm. Công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp còn chưa nhiều, nhất là các hình thức khen bậc cao; tính tiêu biểu, nêu gương và lan toả trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế…

Từ thực tế đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức và những cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng cần suy nghĩ và đề cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và tổ chức thực hiện để từ đó đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng, một công cụ quản lý Nhà nước và là động lực để xây dựng con người mới.

Cụ thể, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cần tổ chức các phong trào thi đua có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của từng bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua sao cho thật bổ ích, thiết thực, tránh hình thức lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt.

Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi; bảo đảm hài hoà các lợi ích: Lợi ích của người lao động; lợi ích của bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; lợi ích của xã hội. Các phong trào thi đua cần có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; huy động được sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị hơn 2.000 đại biểu tham dự Đại hội tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ để những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt nhanh chóng được lan toả sâu rộng đến cộng đồng xã hội.

Cùng với đó cần nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương. Quan tâm và cụ thể hoá bằng các quy định về việc khen thưởng qua phát hiện các điển hình, nhân tố mới, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất; khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề; tăng cường phát hiện các điển hình tiên tiến để động viên, khen thưởng kịp thời. Khen thưởng phải phù hợp với thành tích và kết quả đạt được. Thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới, tránh hình thức.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, sau Đại hội, hơn 2000 đại biểu là điển hình tiên tiến, Anh hùng, Chiến sĩ thi đua có mặt hôm nay, tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, tích cực tham gia và làm nòng cốt các phong trào thi đua yêu nước tại cơ quan, địa phương, đơn vị để những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt nhanh chóng được lan toả sâu rộng đến cộng đồng xã hội./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận