Thi đua yêu nước góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam

Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Song làm thế nào để phong trào thi đua yêu nước phát huy được hiệu quả, thi đua không phải là ganh đua trong giai đoạn hiện nay là câu hỏi đang được đặt ra.

 

Thi đua để xây dựng đất nước phát triển

Trải qua hơn 70 năm thực hiện lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước trong mỗi giai đoạn, thời kỳ có những nét nổi bật, đặc trưng riêng. Song có một điểm chung là đều xuất phát từ lòng yêu nước chân chính, được khơi dậy và phát huy bởi nhiều tấm gương điển hình thi đua tiêu biểu, từ những tầng lớp khác nhau. Họ là nhân dân lao động, là những công nhân, nông dân, lao động chân tay và trí óc, một lòng trung thành với nhân dân, với Đảng và Chính phủ…

Có thể nói, mỗi kỳ đại hội thi đua yêu nước là một dấu mốc quan trọng, thể hiện tình đoàn kết toàn dân, đường lối xây dựng và phát triển đất nước, thể hiện ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước. Thông qua đại hội thi đua yêu nước đã triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, sâu rộng, trở thành động lực quan trọng xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu có ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, tích cực sáng tạo, góp phần thiết thực vào những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiệu quả của phong trào thi đua đã thúc đẩy nền kinh tế của cả nước vượt qua khó khăn, thách thức. Nhân dân và Chính phủ cùng chung sức, đồng lòng triển khai các giải pháp đặc biệt, linh hoạt, thậm chí chưa có tiền lệ để nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” là phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 - 1954, xuất phát từ lợi ích của nhân dân là đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập tự do cho nhân dân. Đây là khát vọng cháy bỏng của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, phong trào thi đua đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng sôi nổi và lan rộng khắp cả nước. Nhiều phong trào cụ thể đã được đưa ra như tăng gia sản xuất và tiết kiệm; giết giặc lập công; Ba đảm đang, Ba sẵn sàng; Năm xung phong… Xuất hiện nhiều cá nhân điển hình trong mọi tầng lớp, ở mọi lứa tuổi… Phong trào thi đua ái quốc đã thấm sâu vào từng con người cụ thể và tạo ra sức mạnh lan toả sâu rộng trong nhân dân, tạo động lực tinh thần và khí thế cách mạng trong thời điểm đó. Từ đó, tạo nên tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng đưa nước ta từng bước vượt qua nạn đói, nạn dốt, tạo ra của cải vật chất để phục vụ kháng chiến.

Nếu như lời kêu gọi giai đoạn 1945 - 1954, là thi đua yêu nước trong kháng chiến, kiến quốc, thì lời kêu gọi giai đoạn 2001 - 2018 là thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Hưởng ướng lời kêu gọi này, Việt Nam đã từng bước tạo nên uy tín, vị thế trên trường quốc tế. Từ một quốc gia kém phát triển, ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và bị bao vây cấm vận, ngay sau khi giành được độc lập, Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình tại các nước trong khu vực và trên thế giới nhờ sự đóng góp to lớn của các phong trào thi đua yêu nước.

Đặc biệt vai trò vị thế của Việt Nam càng lớn hơn khi mô hình chống dịch của Việt Nam đã trở thành hình mẫu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, được thế giới đánh giá cao. Dù dồn toàn lực để phòng chống dịch nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia. GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD, Malaysia với 336,3 tỷ USD. Việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 cho phép Việt Nam nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh tế. Trong khi nhiều quốc gia đối mặt với sụt giảm kinh tế nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 3%/năm.

Tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất-kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; quốc phòng-an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Thi đua không phải là ganh đua

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực mà phong trào thi đua yêu nước mang lại vẫn xuất hiện những tiêu cực. GS.TS Phạm Ngọc Trung, giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Phong trào thi đua yêu nước ở nhiều nơi vẫn nặng về hình thức, có sự nể nang hoặc ganh đua, thậm chí có cả chuyện vận động, chạy chọt. Thi đua trong tập thể hiện nay đôi khi không phải là chia sẻ kinh nghiệm, tri thức trong sản xuất mà là giấu nghề và cạnh tranh bởi thi đua giờ liên quan đến vấn đề quyền lợi, vị trí”.

Đằng sau những danh hiệu thi đua, không hiếm nơi có những biểu hiện lệch lạc, làm mất đi ý nghĩa và làm suy giảm sức mạnh của phong trào thi đua. Trong thi đua đã có một số cá nhân có biểu hiện ganh đua, thiếu tích cực trong thi đua. Quá trình thực hiện phong trào thi đua cũng có nhiều bất cập. Theo ông Đỗ Trọng Hùng, Trưởng ban Thi đua, khen thưởng, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, những biểu hiện lệch lạc trong thi đua đó bắt nguồn từ những nguyên nhân: Thứ nhất, một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn nhận thức chưa đầy đủ, đúng đắn tầm quan trọng của thi đua yêu nước, có nơi có lúc thi đua còn mang tính hình thức, chạy theo phong trào, cục bộ, thiếu tính thi đua chân chính. Ngoài ra, thi đua chưa gắn chặt với khen thưởng, chưa thực sự khích lệ động viên cao độ sự phấn đấu của các tầng lớp nhân dân. Thứ hai, việc tổ chức và lãnh đạo các phong trào thi đua yêu nước chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong cộng đồng. Thứ ba, chương trình, kế hoạch tổ chức các phong trào thi đua còn thiếu khoa học, không liên tục, không sát với hoàn cảnh thực tiễn của địa phương. Một điều rất quan trọng là cơ quan chức năng trực tiếp làm công tác thi đua khen thưởng chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, đảm bảo sự khách quan, công tâm, chính xác trong việc xét thẩm định để trình cấp trên khen thưởng.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến biểu hiện lệch lạc này, ông Hùng cho rằng đó là do cách làm của từng phong trào thi đua. Khi tổ chức phong trào thi đua chưa có tiêu chí rõ ràng, đầy đủ thì bình xét sẽ không đảm bảo tính công bằng dẫn đến những hệ lụy xấu, đảo lộn mọi giá trị tốt đẹp. Từ biểu hiện lệch lạc sinh ra căn bệnh giả dối, vụ lợi. Tôi cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng khi đánh giá, xét thành tích. Nếu công bằng, trách nhiệm, trung thực trong đánh giá mới phát huy được tính chuyên sâu, không giấu nghề trong đội ngũ cán bộ của mình, lúc đó sự ganh đua bị lấn át đi. Cần có tiêu chí đánh giá xếp loại của từng đơn vị, tập thể rõ ràng thì sẽ tạo được sự đồng thuận cao. Thực tế hiện nay có không ít sự cào bằng, máy móc dẫn đến phong trào thi đua thiếu thực chất, làm công tác thi đua khen thưởng thiếu công bằng và chính xác. Phải khen đúng người, đúng việc, đúng thành tích, dân chủ, công bằng, công khai minh bạch. Cần nhân lên tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp nhau, nhân lên truyền thống đoàn kết tốt đẹp của dân tộc. Đó là động lực của thi đua.

“Đất nước ta có được tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay là công sức của toàn Đảng, toàn dân trong mọi lĩnh vực. Nhờ có thi đua nên trong kháng chiến kiến quốc, chúng ta đã giành được độc lập, thống nhất và tạo nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Và trong xây dựng đất nước, chính sự đoàn kết, sáng tạo, giúp nhau vươn lên đã giúp chúng ta có vị thế như ngày nay”.

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam

Có thể khẳng định, trải qua hơn 70 năm, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và mang lại nhiều giá trị thực tiễn to lớn. Phong trào thi đua yêu nước dù mỗi thời kỳ một khác nhưng đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân, vì dân, do dân mà ra. Chính vì thế, phong trào này luôn nhận được sự hưởng ứng và cổ vũ của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo ra động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ vượt qua những thời điểm khó khăn của đất nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững, xây dựng một xã hội tốt đẹp./.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận