Pháp lệnh gồm 7 chương, 58 điều quy định về đối tượng, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, bà Nguyễn Thuý Anh – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về các trường hợp được công nhận liệt sĩ đã được chỉnh lý nhằm bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tế, bối cảnh của thời bình, tôn vinh xứng đáng đối với người có công. Dự thảo Pháp lệnh được chỉnh lý đã quy định khái quát về các trường hợp và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Cụ thể, đối với trường hợp “Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm trong đấu tranh phòng chống tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự”, Dự thảo Pháp lệnh đã bỏ “phòng” trong “phòng, chống tội phạm” và chỉnh lý thành hai điểm để phân biệt đấu tranh chống tội phạm của người được giao nhiệm vụ và người không được giao nhiệm vụ.
Đối với người được giao nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm, Dự thảo bỏ quy định điều kiện “dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm” với các lý do sau: Kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành (chỉ quy định “đấu tranh chống tội phạm”, không quy định điều kiện “dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm” trong đấu tranh chống tội phạm) và nếu quy định phải có các yếu tố “dũng cảm”, “cấp bách, nguy hiểm” thì chưa phù hợp với thực tiễn công tác của lực lượng công an trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm, có các trường hợp không có các yếu tố này nhưng có tính chất bất ngờ dẫn đến nguy hiểm tính mạng của cán bộ, chiến sĩ công an.
Đồng thời, dự thảo đã bổ sung điều kiện “Trực tiếp làm nhiệm vụ”, cùng với việc bổ sung các trường hợp không được xem xét công nhận người có công (tại Điều 53) bảo đảm chặt chẽ hơn so với quy định hiện hành, phù hợp với thực tiễn đấu tranh chống tội phạm của lực lượng chuyên trách.
Đối với trường hợp “Đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân; có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội”, để phù hợp với thực tiễn, thu hút trường hợp người không được giao nhiệm vụ hoặc không thuộc lực lượng chống tội phạm nêu trên, Dự thảo Pháp lệnh đã được tiếp thu, chỉnh lý chặt chẽ hơn như sau: “Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội”.
Còn các trường hợp “Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện hoặc diễn tập chiến đấu phục vụ quốc phòng an ninh có tính chất nguy hiểm”; “Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao”, Dự thảo Pháp lệnh đã được chỉnh lý như sau: “Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm”.
Theo Uỷ ban về các vấn đề xã hội, quy định này đã bao hàm các trường hợp xứng đáng khác đang được thực hiện và bổ sung một số trường hợp mới trong thực tiễn. Đồng thời, bao gồm được cả trường hợp công nhận liệt sĩ “Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao” vì đây là thuộc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm.
Trường hợp “Do ốm đau, tai nạn khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, cơ quan thẩm tra đã đề nghị Chính phủ cần đánh giá việc thực hiện quy định này trong những năm qua, xem xét tính công bằng với cán bộ, công chức, viên chức cùng công tác tại các địa bàn này và tính công bằng ngay trong những người đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để quy định phù hợp với thực tiễn hiện nay, tương xứng với các trường hợp công nhận liệt sĩ khác, tránh việc lợi dụng chính sách.
Tuy nhiên, Chính phủ chưa bổ sung đánh giá theo yêu cầu của Cơ quan chủ trì thẩm tra mà đề nghị bỏ quy định công nhận liệt sĩ đối với trường hợp này với lý do để đảm bảo công bằng đối với các trường hợp công nhận liệt sĩ, tránh lợi dụng chính sách. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề nghị kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành và điều chỉnh điều kiện công nhận liệt sĩ trong trường hợp này chặt chẽ hơn, thu hẹp địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ủy ban thấy rằng, mỗi phương án đều có ưu điểm và hạn chế, để khắc phục các hạn chế của 2 ý kiến nêu trên, sau khi thống nhất với Cơ quan soạn thảo, dự thảo Pháp lệnh được chỉnh lý trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh hiện hành nhưng chỉ giới hạn công nhận liệt sĩ trong trường hợp “Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định”.
Đối với trường hợp “Do vết thương tái phát dẫn đến tử vong” đối với thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, Dự thảo đã được chỉnh lý bảo đảm chặt chẽ hơn, bổ sung cụm từ “là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong” sau cụm từ “Do vết thương tái phát”.
Dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung để giữ lại quy định hiện hành trường hợp công nhận liệt sĩ khi làm nghĩa vụ quốc tế.
Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/ 2021, thay thế Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13./.
Ngọc Thành/VOV.VN