Hội nghị APEC: Quyết tâm xây dựng cộng đồng tự cường - thịnh vượng

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế 31 khẳng định quyết tâm của 21 thành viên APEC xây dựng cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương tự cường, thịnh vượng.

 

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế (AMM) lần thứ 31 diễn ra tối 16/11 đã thông qua Tuyên bố chung, khẳng định quyết tâm của 21 thành viên APEC tiếp tục chung tay xây dựng cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương tự cường, thịnh vượng và duy trì vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực trong những thập kỷ tới. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng dành nhiều thời gian thảo luận về định hướng hợp tác APEC trong thời gian tới trên cơ sở những thành tựu to lớn đã đạt được sau gần ba thập kỷ kiên trì theo đuổi các Mục tiêu Bô-go. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, các Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các thành viên trong kiểm soát dịch bệnh, duy trì đà hợp tác, bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, qua đó đóng góp kịp thời vào các nỗ lực toàn cầu về ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế. APEC cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, trong đó có mục tiêu hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do Châu Á – Thái bình dương (FTAAP).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Weerasak Wangsuphakijkosol nhấn mạnh: “Trong đại dịch Covid-19, đảm bảo dòng lưu chuyển hàng hóa giữa các nền kinh tế là điều vô cùng quan trọng. Các hoạt động thương mại dựa trên luật lệ của hệ thống thương mại đa phương và ủng hộ nỗ lực cải cách Tổ chức Thương mại thế giới, không tạo ra các rào cản thương mại không cần thiết. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại cũng giúp giảm các tác động kinh tế do đại dịch cũng như kế hoạch phục hồi kinh tế hậu đại dịch.”

Tại Hội nghị, nhiều thành viên đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) vừa được ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội nhằm đóng góp thúc đẩy thương mại tự do và mở dựa trên luật lệ cũng như tạo động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu cũng đưa ra nhiều đề xuất quan trọng nhằm phối hợp kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế, tăng cường kết nối, bảo đảm tính bền vững của các chuỗi cung ứng, cải cách cơ cấu, kinh tế số nhằm phục hồi kinh tế và nâng cao tính tự cường trước những khủng hoảng và “cú sốc” trong tương lai. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, các thành viên APEC cần đề cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, cùng chung tay đóng góp để châu Á – Thái Bình Dương sớm vượt qua các thách thức hiện nay và tiếp tục dẫn dắt quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với Kế hoạch Tầm nhìn APEC sau năm 2020: "Việt Nam hoàn toàn ủng hộ thông qua Tuyên bố các nhà lãnh đạo về tầm nhìn APEC sau năm 2020, tiếp tục khẳng định vị thế chiến lược của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu, là động lực chính xây dựng cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hoà bình, kết nối, tự cường và sáng tạo.Với chủ trương coi trọng hợp tác đa phương, với vai trò uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với cộng đồng quốc tế thúc đẩy và làm sống động hợp tác đa phương, trong đó có hợp tác APEC."

Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 31 cũng thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế, khẳng định quyết tâm của 21 thành viên APEC tiếp tục chung tay xây dựng cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương tự cường, thịnh vượng và duy trì vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực trong những thập kỷ tới./.

Phạm Hà-Anh Tuấn/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận