Xây dựng lực lượng 'cánh tay nối dài' cho Công an xã: Tiền đâu mà chi?

Đại biểu Quốc hội lo ngại với quy định như dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì ngân sách địa phương khó mà chịu được.

 

Sáng 17/11, Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bên cạnh ý kiến đồng ý với việc ban hành luật thì rất nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn và đề nghị cân nhắc có nên gom 3 lực lượng dân phòng, tổ dân phố và công an bán chuyên trách để xây dựng luật hay không.

Lực lượng ở cơ sở vẫn còn mỏng

Đại biểu Đào Thanh Hải – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, với chủ trương xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại và xuất phát từ thực tế cần phải bố trí lại lực lượng CAND để đảm bảo thế trận an ninh nhân dân phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội theo tinh thần chỉ đạo, do đó Bộ Công an đã bố trí lực lượng công an chính quy xuống các xã trên địa bàn toàn quốc.

Trên địa bàn TP Hà Nội, Công an Thành phố cũng đã bố trí lực lượng xuống 383/383 xã, với hơn 2.500 cán bộ chiến sĩ từ thành phố và quận xuống, chứ không tăng thêm biên chế. Bước đầu, lực lượng này đã phát huy được hiệu quả khi phạm pháp hình sự năm 2020 của TP Hà Nội đã giảm 26% và đây là con số giảm chưa từng có.

Tuy vậy, ông Đào Thanh Hải cho biết, lực lượng vẫn còn mỏng so với yêu cầu thực tế. Trong khi đó, lực lượng Công an bán chính quy đã được đào tạo đầy đủ thì có đến 25% xin nghỉ do phụ cấp thấp và điều kiện hoạt động chưa rõ ràng. Do đó, nếu không có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sẽ rất khó khăn cho việc tiếp tục động viên, để họ phối hợp với lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.

Đại biểu Đào Thanh Hải – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu trên Hội trường. Ảnh: Quốc hộiBày tỏ tán thành việc ban hành luật, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh cơ sở, Bộ Công an đã bố trí công an chính quy về xã, tuy nhiên, do tính chất phức tạp nên cần có sự tham gia phối hợp của các lực lượng khác. Để các lực lượng hoạt động có hiệu quả cần có khuôn khổ pháp lý.

Đại biểu Bùi Thị Thuỷ (Đoàn Thanh Hoá) cho biết, trên thực tế hiện nay, các địa phương đã hình thành nhiều mô hình, tổ chức tự quản tham giao bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, trong đó, có những lực lượng thành lập và hoạt động tự phát hoặc có thể được chính quyền địa phương công nhận và quản lý.

Tuy nhiên, theo đại biểu, về cơ bản đây vẫn là hoạt động tự phát của người dân trong phong trào toàn dân đấu tranh, phòng chống tội phạm. Bên cạnh những mặt tích cực của các mô hình này vẫn tồn tại những điều hạn chế, bất cập như hoạt động thường thiếu định hướng, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ và thiếu kỹ năng năng ứng phó, giải quyết các tình huống bất ngờ, phức tạp.

“Do đó, cần phải có cơ sở pháp lý rõ ràng để quản lý chặt chẽ các mô hình này, tránh các hậu quả tiêu cực có thể xảy ra” – nữ đại biểu nêu quan điểm.

Có làm thay nhiệm vụ của Công an xã?

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TPHCM) cũng cho rằng, trong hồ sơ chưa thấy tiêu chí nào giảm và giảm lực lượng nào là chính mà theo đánh giá tác động là sẽ giảm 500.000 người.

“Về tiêu chuẩn có nêu học vấn, sức khoẻ, đạo đức nhưng vẫn chung chung. Có cảm giác ưu tiên lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ. Vì dự thảo nêu lực lượng này tiếp tục tham gia, hưởng chế độ chính sách theo quy định luật này mà không nhắc lực lượng khác, trong khi cả 3 lực lượng đều đóng góp theo nhiệm vụ được giao thời gian qua” – đại biểu Kim Yến đặt vấn đề.

Đại biểu băn khoăn việc ban hành luật này để quản lý thuận lợi hơn nhưng có khi nào đang "chính quy hoá" lực lượng quần chúng, làm giảm sự nhiệt tình của lực lượng hay không và đề nghị nghiên cứu để dự thảo luật theo đúng mục tiêu, tránh "chính quy hóa", làm giảm nhiệt tình của lực lượng quần chúng hay làm thay nhiệm vụ của công an chính quy, lạm quyền.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, phạm vi đặt ra gồm 3 lực lượng và về lý thuyết là thu gọn đầu mối nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy, bởi bộ máy rõ ràng đang phình ra so với hiện hành. Hơn nữa, lực lượng quần chúng là tự nguyện, đóng vai trò tham gia, nhưng cách thể hiện trong dự thảo lại không đúng tinh thần nêu ra.

Ngoài 3 lực lượng được đề cập thì nhiều mô hình tự quản quần chúng đang tồn tại hiện nay có nằm trong phạm vi điều chỉnh hay không và nếu luật ra đời thì các mô hình tự quản khác có duy trì không, tính pháp lý thế nào so với 3 lực lượng trong dự thảo.

“Tất cả vấn đề này cần tường minh để đủ căn cứ cho đại biểu Quốc hội quyết định” – đại biểu Mai Hoa kiến nghị.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) thì nói: “Đọc dự thảo thì thấy, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là phối hợp nhưng hầu hết thực hiện nhiệm vụ của Công an xã. Lực lượng này nếu ra đời thì Công an xã sẽ lười biếng, công việc dồn hết cho lực lượng tham gia. Như vậy đã phình ở cơ sở rồi nay lại tiếp tục phình”.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò - ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội cũng đặt câu hỏi về việc xây dựng thêm một lực lượng khi mà hiện nay lực lượng công an chính quy đã được đưa về xã để thay thế lực lượng công an xã không chuyên trách. Ông cho rằng, cần phát huy tốt vai trò của lực lượng này và tin tưởng vào hệ thống chính trị từ trung ương xuống địa phương, cơ sở, xã phường, thôn bản, tin tưởng nhân dân.

Ngân sách không tăng sao được!

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nói Luật ban hành sẽ giảm 500.000 người là không thực tế và rõ ràng là tăng chứ không hề giảm.

“Ngân sách bố trí cho lực lượng này theo dự thảo Luật là 1,5 - 1,8 tỷ đồng/tháng/mỗi địa phương thì những địa phương mạnh như TP HCM, Hà Nội chịu được chứ các địa phương ngân sách khó khăn e rằng khó đáp ứng nổi” – ông Hoà nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TPHCM). Ảnh: Quốc hộiĐại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho biết, theo hồ sơ dự án luật thì nếu được thông qua, lực lượng tham gia bảo vệ trị an ở cơ sở sẽ có 1,5 triệu người hưởng ngân sách thường xuyên, giảm 500.000 người, song ông cho rằng con số này chưa thực sự thuyết phục và dẫn chứng các điều từ 19 đến 22 trong dự thảo luật cho thấy ngân sách địa phương phải chỉ trả từ trụ sở, phụ cấp, bảo hiểm… thì e rằng ngân sách của địa phương sẽ không còn để đầu tư phát triển, bố trí cho an sinh xã hội.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, lực lượng này mới nghe thì là quần chúng tự nguyện nhưng các quy định toát lên tính chính quy về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách…. Vậy Nhà nước sẽ phải bảo đảm ngân sách lớn mà nay vẫn chưa thể hình dung được đầy đủ.

“Trong khi chúng ta đang oằn mình để thắt lưng buộc bụng, phục hồi kinh tế, hầu hết đều khó khăn về ngân sách, nay lại thêm nỗi lo này thì khó có thể lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương” – ông Nhưỡng nói và đề nghị Chính phủ nghiên cứu toàn diện, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh./.

Thành - Lê - Lam/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận