Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ

Thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), sáng 16/11, nhiều ĐBQH không đồng ý tách luật này thành Luật GTĐB và Luật Đảm bảo trật tự an toàn GTĐB.

 

Tách luật là bất hợp lý?

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh Quảng Trị) cho rằng hơn 10 năm qua, khi thực hiện Luật GTĐB, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm quản lý tổng thể, toàn diện, xuyên suốt, góp phần quan trọng cho phát triển, đầu tư mạng lưới giao thông đường bộ. Công tác đảm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật có những tiến bộ tích cực dù vẫn còn khó khăn.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Theo đại biểu Đoàn Quảng Trị, những vấn đề còn bất cập, thiếu quy định để thực hiện Luật GTĐB hiện hành thì Quốc hội cần xem xét, sửa đổi cho phù hợp ngay trong nội hàm luật hiện hành thay vì tách thành 2 luật mới.

“Giao thông đường bộ là một hệ thống nhất được liên kết chặt chẽ giữa các yếu tố kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người điều khiển, người tham gia giao thông và quy tắc giao thông đường bộ. Nếu trong trường hợp cả 2 Bộ cùng tham gia quản lý, khi có vụ việc xảy ra thì bên nào sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp? Nếu tách luật sẽ phá vỡ kết cấu, vốn đã hợp lý, logic hay nói rộng ra là phá vỡ những quy luật, nền tảng, hệ thống phát luật, tạo tiền đề hết sức nguy hiểm trong xây dựng pháp luật”, đại biểu Đức Thắng nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Văn Xuyền, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật cũng cho rằng Luật GTĐB có phạm vi điều chỉnh gồm 4 thành tố: Kết cấu hạ tầng, phương tiện, người tham gia giao thông và quy tắc giao thông. 4 thành tố này gắn kết chặt chẽ và hướng đến mục đích đảm bảo an ninh trật tự.

“Nếu tách thì các thành tố trên khô cứng và vô nghĩa. Làm đường, làm cầu không tính an toàn giao thông và người trên đường thì đường đó vô tri vô giác. Làm xe ô tô, xe máy không tính người lưu thông, việc sử dụng và an toàn thì xe đó chỉ để trưng bày. 4 yếu tố phải gắn kết chặt chẽ với nhau nên tách luật gây nhiều hệ luỵ khó khăn” - ông Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh và cho rằng nếu tách thì Luật GTĐB không còn đúng nghĩa GTĐB và hệ lụy cũng dẫn đến có những vấn đề chồng chéo và khâu tổ chức thực hiện khó khăn.

Cũng băn khoăn về vấn đề này, đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cho rằng trước rất nhiều ý kiến thảo luận ở tổ và Hội trường không đồng ý tách thành 2 luật thì UBTVQH nên lấy ý kiến Đại biểu Quốc hội có đồng ý tách luật hay không. “Nếu đồng ý tách thì chiều nay mới thảo luận dự án Luật đảm bảo an toàn trật tự GTĐB, nếu không đồng ý tách thì chiều nay sẽ không thảo luận như chương trình”.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hòa Bình lại cho rằng việc tách Luật được Chính phủ thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, của Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Thủ tướng cũng có ý kiến đồng ý.

“Vì vậy tôi ủng hộ lựa chọn của Chính phủ và Thủ tướng vì tôi thấy việc này có lợi cho nhân dân và đất nước” - ông Sinh nêu quan điểm.

Trước nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn về trình tự thủ tục trình dự án luật lần này, phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định việc trình Quốc hội thảo luận hai dự án luật GTĐB và Đảm bảo trật tự an toàn GTĐB không vi phạm quy trình.

“UBTVQH rất trân trọng Quốc hội và đã xin ý kiến Quốc hội. Quốc hội cũng nhất trí với Chương trình kỳ họp, trong đó có việc thảo luận đồng thời hai dự án luật để suy nghĩ cho thấu đáo./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận