Nóng chuyện thông tin xấu,quy hoạch treo, rác thải...

Nhiều vấn đề nóng đã được các đại biểu Quốc hội đưa lên bàn nghị luận. Những câu trả lời thẳng thắn, mạch lạc và lời hứa thực thi của các vị trưởng ngành đã phần nào đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.

 

Các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam

Tại kỳ chất vấn này nhiều đại biểu quan tâm đến lĩnh vực quản lý không gian mạng cũng như sự bất cập giữa các kênh truyền hình trả tiền trong nước với các kênh nước ngoài. Bên cạnh đó là nỗi lo về việc kiểm soát những nội dung trực tuyến xấu độc, nhảm nhí, trái văn hóa, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em...

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP Hồ Chí Minh hỏi, hiện nay các kênh truyền hình trả tiền trong nước bị quản lý về nội dung, kiểm duyệt rất chặt chẽ. Các khoản thuế, phí cũng rất chặt chẽ. Nhưng các kênh truyền hình trả tiền nước ngoài thì hầu như thả nổi về mặt nội dung, chưa kể những khoản khác về thuế, phí. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với khoảng 14 triệu thuê bao và doanh thu một năm khoảng 9.000 tỷ đồng. Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua internet của các nền tảng xuyên biên giới hiện nay như Netflix, Apple TV hoặc Buy TV của Trung Quốc, đang cung cấp tại Việt Nam khoảng 1 triệu thuê bao và doanh thu đã tiến dần tới con số 1.000 tỷ, đây là con số dự đoán. Trong khi, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trong nước phải tuân thủ các quy định về cấp phép, biên tập nội dung, nộp phí đóng thuế thì doanh nghiệp nước ngoài chưa phải thực hiện các quy định pháp luật này.

Thuê bao của Netflix, riêng quý 1/2020 tại Việt Nam là tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Netflix đúng là có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, như pháp luật về báo chí, điện ảnh, trẻ em, cụ thể là phản ánh sai lịch sử như loạt phim về chiến tranh Việt Nam, xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, phim Madam Secretary, có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm... Để giải quyết tình trạng này, phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định số 06 năm 2016, về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Hiện nay, Nghị định này Bộ Thông tin và Truyền thông đã soạn thảo xong, đang trình Chính phủ xem xét.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ Thông tin Truyền thông đang cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới này đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán. Bộ trưởng cho biết hiện 4 công ty lớn là Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội thay đổi về xử phạt có tính răn đe.

Tương tự đại biểu Ngàn Phương Loan, đoàn Lạng Sơn, quan tâm đến các biện pháp xử lý những nội dung trực tuyến xấu độc, nhảm nhí, trái văn hóa, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em. Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngàn Phương Loan, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay trên Youtube có 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên nền tảng này, có 350 kênh có hàng triệu người theo dõi, trong số đó có 15.000 kênh có thu tiền ăn chia quảng cáo với Youtube.

Hiện nay vẫn còn nhiều video xấu, độc trên mạng. Mặc dù, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tỷ lệ gỡ bỏ thông tin xấu, độc của Facebook đã tăng từ 10% lên 95% và của Youtube tăng từ 50% lên 90%. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu, độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017 và số lượng video xấu độc được gỡ bỏ trên Youtube năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017. Số trang giả mạo được gỡ bỏ cũng tăng 8 lần so với năm 2017. Về xử lý vi phạm hành chính, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng địa phương đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về tin sai, tin giả. Xử lý hàng ngàn đơn thư khiếu nại và phản ánh, tố cáo về tin giả. Đặc biệt Bộ đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm một số cá nhân đã đưa, sản xuất các nội dung xấu, độc.

Quy hoạch sau 3 năm không thực hiện, người dân được xây dựng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Dung, đoàn Điện Biên về giải pháp thay thế chôn lấp rác thải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, hiện nay trung bình mỗi ngày có 35.000 tấn chất thải rắn đô thị và khoảng 28.400 tấn chất thải nông thôn. Chúng ta có 381 lò đốt, 37 lò sản xuất phân compost, chủ yếu hiện nay gần 1.000 bãi chôn lấp.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng bước đầu cải thiện là tăng mức thu gom đến 92% và 66%, tức là tăng khoảng từ 6% ở đô thị đến 15% ở nông thôn. Nhưng thực trạng chôn lấp thì rất ô nhiễm, ô nhiễm tài nguyên nước, trong đó vấn đề lãng phí, cạn kiệt tài nguyên. Bởi vì, rác chưa được coi là tài nguyên, chưa tiến hành tái chế và công nghệ thì chưa đáp ứng yêu cầu.

Vấn đề quy hoạch treo đã và đang gây nhiều hệ lụy cho người dân và các giải pháp để giải quyết vấn đề quy hoạch treo cũng được nhiều đại biểu đặt ra. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, quy hoạch treo được hiểu là loại quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được toàn bộ hoặc một số các nội dung quy hoạch, hoặc không thực hiện được một số dự án nhất là các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ đã được xác định trong quy hoạch. Việc này ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi hợp pháp, cuộc sống của người dân, thể hiện chủ yếu ở 2 mặt, ảnh hưởng đến việc làm sinh kế và việc xây dựng, cải tạo nhà ở của người dân, đồng thời làm giảm hiệu quả chất lượng phát triển đô thị, lãng phí tài nguyên và gây bức xúc trong nhân dân.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến quy hoạch treo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, có một số nguyên nhân chủ yếu là chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tầm nhìn, xác định một số vấn đề chiến lược trong quy hoạch chưa chính xác. Không làm đầy đủ các loại quy hoạch liên quan theo quy định đặc biệt là quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quy hoạch chi tiết 1/500, không xác định đủ các yếu tố, điều kiện thực hiện, nhất là về nguồn lực đầu tư để thực hiện đồng bộ các dự án trong quy hoạch.

Việc tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch sau khi công bố chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định, nhất là việc công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch, thực hiện quy hoạch, không kịp thời rà soát, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch. Một số địa phương còn chủ quan, nóng vội trong việc mở rộng đất phát triển đô thị nhưng chưa tính toán đầy đủ, chính xác các yếu tố nguồn lực phát triển nên không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch. Năng lực của một số chủ đầu tư yếu kém không thực hiện được dự án được giao.

“Để bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch treo về vấn đề nhà ở, trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 cũng đã có quy định nếu như kế hoạch sử dụng đến cấp huyện đã được công bố 3 năm sau không thực hiện thì người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn để cải tạo, thậm chí cả xây mới nhà ở có thời hạn ghi trong giấy phép cụ thể. Nếu hết thời hạn này quy hoạch vẫn không thực hiện được thì người dân tiếp tục được thực hiện giấy phép đã được cấp về cải tạo và xây dựng mới nhà ở. Chúng tôi nghĩ đây là quy định bước đầu cũng đã giải quyết được một phần yêu cầu về cải tạo và xây dựng nhà ở của người dân trong vùng quy hoạch treo”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận