Trong thông điệp ngắn gọn gửi đến Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ 3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước hết nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh chủ đề thiết thực của Diễn đàn hòa bình Paris lần thứ 3 là “Đối mặt với Covid-19, bước sang một thế giới tốt đẹp hơn”. Tiếp đến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo, bằng nỗ lực của hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, sự hợp tác tích cực của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, cho đến nay Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi đà tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ kinh nghiệm với thế giới về nỗ lực kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các quốc gia sẽ không thể đi xa nếu đi một mình và đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu về y tế, kinh tế, xã hội cũng như các thách thức chung mà toàn thể nhân loại cần chung tay giải quyết thông qua đoàn kết quốc tế, hợp tác đa phương cũng như phối hợp hành động ở cả cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Có như thế mới có thể bảo đảm không một người dân, một quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong mọi chính sách đều phải là lợi ích của người dân: “Chúng ta cần phải lấy lợi ích của người dân làm trung tâm của mọi chính sách và hành động. Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và bảo đảm người dân ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có thể tiếp cận vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19 với chi phí hợp lý”.
Bên cạnh việc nêu lên các ưu tiên và thách thức quản trị trong bối cảnh đại dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi một thông điệp khác đến Diễn đàn Hòa bình Paris rằng các quốc gia cần duy trì cam kết và nỗ lực thực hiện chương trình nghị sự 2030 và cam kết về biến đổi khí hậu, trong đó cần ưu tiên trợ giúp các quốc gia đang phát triển về tài chính, công nghệ và thương mại để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ 3 diễn ra từ ngày 11 đến 13/11 năm nay dưới hình thức trực tuyến, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, đặc biệt là châu Âu đang trở lại làm tâm điểm của đại dịch nên các chủ đề thảo luận của Diễn đàn năm nay tập trung vào các vấn đề như phát triển xanh của các thành phố, xây dựng một thế giới công bằng hơn hậu Covid-19, tăng cường đầu tư để thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, tương lai của Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu, việc xây dựng các cơ chế quản trị toàn cầu để đối phó tốt hơn với các đại dịch trong tương lai. Ngoài ra, Diễn đàn Hòa bình năm nay cũng đề cập đến một số chủ đề lớn về an ninh như chủ nghĩa khủng bố cũng như môi trường hòa bình tại châu Âu.
Hơn 50 nguyên thủ quốc gia cùng người đứng đầu các tổ chức quốc tế lớn như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterrres… đã tham gia, đóng góp tham luận cũng như trực tiếp tham dự các buổi thảo luận của Diễn đàn Hòa bình Paris năm nay.
Phát biểu tại phiên khai mạc chính thức chiều 12/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nước chủ nhà của Diễn đàn, khẳng định, thế giới hậu Covid-19 đặt ra các thách thức to lớn chưa từng có mà hơn bao giờ hết các quốc gia cần phải tích cực hợp tác trong các khuôn khổ đa phương để cùng hành động./.
Quang Dũng/VOV-Parisa