Sau cuộc tham vấn song phương định kỳ giữa Mỹ và Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo từ Ấn Độ tới thăm một số nước ở khu vực châu Á. Ông Pompeo thực hiện chuyến công du này vào thời điểm không đầy một tuần trước ngày bầu cử tổng thống ở nước Mỹ. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống này, bất kể phần thắng thuộc về tổng thống đương nhiệm Donald Trump hay cựu phó tổng thống Joe Biden, cũng đều mở ra thời kỳ biến động nhân sự trong bộ máy chính quyền Mỹ. Nếu tổng thống mới của nước Mỹ là ông Biden thì những ngày tại nhiệm của ông Pompeo sẽ được đếm lùi. Ngay cả khi ông Trump cầm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa cũng không thể chắc chắn là ông Pompeo sẽ vẫn là bộ trưởng ngoại giao Mỹ. Cho nên sẽ có phần phiến diện khi chỉ nhìn nhận sứ mệnh ngoại giao của ông Pompeo lần này là tập hợp lực lượng trong khu vực để cùng đối phó Trung Quốc, cùng gây dựng khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thúc đẩy quan hệ song phương của Mỹ với một số nước trong khu vực...
Điều đáng được chú ý đến hơn cả ở đây dù người cũ tiếp tục hay người mới lên cầm quyền thì chiến lược và chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung cũng như đối với Trung Quốc nói riêng về cơ bản không có thay đổi đáng kể gì về mục tiêu chiến lược. Mỹ có những lợi ích chiến lược cơ bản trước mắt cũng như lâu dài bất biến ở khu vực này mà ai cầm quyền ở Mỹ cũng đều theo đuổi. Nếu có khác nhau và khác trước thì chỉ trong chừng mực nhất định trên phương diện cách thức thực hiện và mức độ được ưu tiên. Ông Biden nếu cầm quyền có thể sẽ khác ông Trump trong quan điểm chính sách đối với NATO và chủ nghĩa đa phương, có thể sẽ đảo ngược một số quyết sách đối ngoại của ông Trump, nhưng sẽ không thay đổi đáng kể gì ở chiến lược và chính sách hiện tại của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương./.
Ngân Hà