Sự thích nghi

Đó là giải pháp để doanh nghiệp và người kinh doanh thích nghi với 'trạng thái bình thường mới: vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả'.

Quán trà đá của chị Hương ở 58 Bà Triệu từ hôm thành phố Hà Nội quy định giãn cách đã có thêm tấm bảng ghi: “Chỉ bán mang về, mong quý khách thông cảm”. Cũng từ hôm đó, nhiều nhà hàng, quán ăn của Hà Nội lắp thêm các tấm chắn giọt bắn, kê lại bàn ghế đảm bảo khoảng cách tiêu chuẩn. Trước đó, thương hiệu thời trang cao cấp Ivy Moda, Công ty sản xuất quà tặng HTC đầu tư sản xuất mặt hàng mới: khẩu trang kháng khuẩn. Một số công ty hóa mỹ phẩm cũng nhanh chóng chuyển hướng sản xuất thêm nước rửa tay kháng khuẩn... Đó là những giải pháp để doanh nghiệp và người kinh doanh thích nghi với “trạng thái bình thường mới: vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả”.

 

Chính phủ cũng đã có sự thích nghi khi không giãn cách toàn xã hội, mà khoanh vùng dịch, từng địa phương chủ động đưa ra phương án phù hợp. Trạng thái bình thường mới cũng đòi hỏi các cơ quan công quyền phải có phương án giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, hiệu quả để hạn chế tụ tập đông người, tránh làm phiền người dân, đồng thời có thể tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của từng doanh nghiệp, như khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong một bài viết trên Tạp chí Sóng Việt mới đây, Tiến sĩ Michael Spann của Đại học Queensland đã cảnh báo: “Sự phụ thuộc quá mức vào GDP như thước đo của sự tiến bộ và phát triển dẫn đến các tác hại môi trường và sức khỏe hiện tại và tương lai vì lợi ích kinh tế trước mắt. Mặc dù đây không phải là phát hiện mới, sự kết hợp giữa sức khỏe con người, môi trường bền vững, và phát triển đã trở thành vấn đề nổi cộm trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là liên quan đến sự xuất hiện của virus”.

Theo Tiến sĩ Michael Spann, có thể coi đại dịch là “lời cảnh tỉnh hiển hiện đối với nhân loại do ưu tiên tăng trưởng kinh tế dựa trên khái niệm hẹp về phát triển. Đây có thể được coi là một cơ hội ấn nút “khởi động lại” để xây dựng những thể chế và cộng đồng bao trùm và để “làm phát triển một cách khác biệt”.

Ở Việt Nam, Chính phủ cũng khẳng định: “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”, “không phát triển kinh tế bằng mọi giá”. Nhưng từ quyết tâm đến thực hiện không phải lúc nào cũng được như kỳ vọng. Vẫn còn nhiều dự án phá rừng xây khu du lịch, lấp ruộng làm khu công nghiệp, khai thác nguyên liệu tự nhiên để sản xuất sản phẩm có giá trị thấp nhưng tổn hại lớn cho môi trường.v.v...

Việc xuất hiện những chủng virus mới “đánh” mạnh vào thói quen tiêu dùng “bằng mọi giá” của nhân loại. Sự thích nghi của con người trên toàn cầu sau đại dịch chắc chắn sẽ phải là tiêu dùng hợp lý để bảo vệ môi trường tự nhiên. Còn ở Việt Nam, sự thích nghi ấy phải là sàng lọc các dự án đầu tư thận trọng, kỹ lưỡng, ngay từ khâu thẩm định, phải bảo vệ môi trường sống của chính mình để có cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Bình luận

    Chưa có bình luận