Xóa giường bệnh dịch vụ: Để bất công không còn trong bệnh viện công

Xã hội hóa giáo dục và y tế không đồng nghĩa với việc thu hẹp không gian, giảm bớt chất lượng dịch vụ đối với một bộ phận người dân yếu thế.

 

Trong một thông báo mới nhất về những thay đổi giai đoạn hậu Covid-19, bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện tuyến cuối, nơi có lưu lượng bệnh nhân lớn nhất cả nước đã chính thức cho biết: trong những năm tới, số giường bệnh dịch vụ ở cơ sở này sẽ giảm dần, tiến tới “xóa sổ”.

Xóa giường bệnh dịch vụ: Để bất công không còn trong bệnh viện công. Ảnh: KT

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh bệnh viện vừa bắt đầu chuyển đổi sang mô hình tự chủ hoàn toàn lại phải đối phó với đại dịch Covid-19, vô vàn khó khăn. Nó thể hiện một quyết tâm rất lớn của lãnh đạo bệnh viện: Dám thay đổi để có một diện mạo mới, một cái nhìn mới.

Lâu nay, việc tồn tại “giường dịch vụ” trong các cơ sở y tế công lập như một phong trào và không ít nơi đã lạm dụng nó để tăng thêm nguồn thu. Tận dụng tối đa phòng, ban trong bệnh viện để có thêm “giường dịch vụ”, thậm chí các y bác sĩ sẵn sàng thu hẹp không gian làm việc của mình, miễn sao càng nhiều “giường dịch vụ” càng tốt. Về phía người bệnh, không ít gia đình có điều kiện sẵn sàng bỏ tiền để hưởng dịch vụ chất lượng cao trong bệnh viện công.

Thực tế này dẫn đến cảnh trớ trêu, thậm chí bất công mà ai cũng biết, cũng thấy. Đối nghịch với những căn phòng riêng đầy đủ tiện nghi dành cho người giàu là cảnh vạ vật, chen chúc trong những căn phòng cộng đồng với hàng chục giường bệnh. Nhiều người đã bức xúc đặt câu hỏi: Tại sao những người có điều kiện muốn hưởng dịch vụ tốt mà không đến thẳng bệnh viện tư? Ở đó cũng đâu thiếu những bác sĩ giỏi? Nhưng họ nào biết rằng, lựa chọn “phòng VIP” bệnh viện công, người ta có lý lẽ riêng của mình, chắc chắn “lợi” hơn rất nhiều là vào bệnh viện tư. Bệnh viện và người hưởng dịch vụ, đôi bên cùng có lợi. Chỉ có người nghèo là bất lợi!

Chính sự nhập nhèm, không minh bạch này khiến cho cảnh bất công trong bệnh viện công cứ tồn tại từ năm này qua năm khác và đã đến lúc, nó cần phải chấm dứt bằng một cơ chế quản lý rõ ràng, minh bạch.

“Giường bệnh dịch vụ” trong bệnh viện công, có gì na ná như “lớp VIP” trường công mà dư luận đã từng lên tiếng? Thực tế, ở một số thành phố lớn, những trường công danh tiếng trong những năm gần đây cũng “tích cực” mở thêm các lớp VIP. Trong cùng một không gian, cùng một sân trường nhưng các em học sinh sẽ rẽ vào từng lớp học theo mức độ đóng tiền của cha mẹ. Nơi đó, những đứa trẻ chưa bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời đã băn khoăn về sự thiếu công bằng: Tại sao các bạn lại được học trong phòng điều hòa, lớp rộng rãi và có những thầy cô giỏi?

Đã là bệnh viện công, trường công thì việc cung cấp dịch vụ phải công bằng. Xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa y tế không đồng nghĩa với việc thu hẹp không gian, giảm bớt chất lượng dịch vụ đối với một bộ phận người dân yếu thế. Ngay như bệnh viện Bạch Mai, vì là tuyến cuối nên bệnh viện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu chuyển lên từ tuyến dưới. Đôi khi, 10 bệnh nhân vào, bệnh viện chỉ có 7 giường. Để hạn chế nằm ghép, bệnh nhân được bố trí nằm tạm ở cáng trong 24 tiếng. Bởi vậy, nếu những “giường dịch vụ” được xóa sổ thì chắc chắn, cơ hội chữa bệnh cho nhiều người sẽ được tăng lên. Người bệnh đã chấp nhận vào bệnh viện công, bệnh viện tuyến cuối thì mục đích tối thượng là chữa bệnh chứ không phải vào viện để tận hưởng không gian riêng, đủ đầy tiện nghi.

Thời điểm này vài tháng trước, ổ dịch Bạch Mai tưởng rằng sẽ tiềm ẩn một nguy cơ lớn cho thủ đô. Bệnh viện đóng cửa, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Hàng vạn người được “truy tìm” để tiến hành xét nghiệm. Cuối cùng, tất cả vỡ òa trong ngày bệnh viện công bố hết dịch. Nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, bệnh viện đã sẵn sàng bắt tay vào những kế hoạch mới mà nhìn vào, ai cũng nghĩ, phải có sự quyết tâm rất lớn. Bãi bỏ một số dịch vụ thu tiền của bệnh nhân như: dịch vụ bán báo, vệ sinh công cộng, cung cấp nước sôi…và tiến tới “xóa sổ” hoàn toàn giường bệnh dịch vụ. Mọi sự thay đổi đều không dễ dàng nhưng nếu mạnh dạn cắt bỏ những thứ luộm thuộm, nhếch nhác đó thì người bệnh có cơ sở để tin rằng, bệnh viện Bạch Mai cũng như một số bệnh viện khác trên con đường tự chủ sẽ mang đến một diện mạo mới văn minh, công bằng, minh bạch./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận