Kinh tế Việt Nam khi khởi động lại toàn cầu hóa

Có thể nói, dịch Covid-19 đã dội một gáo nước lạnh vào các quốc gia trên thế giới...

 

Có thể nói, dịch Covid-19 đã dội một gáo nước lạnh vào các quốc gia trên thế giới, giữa lúc chúng ta đang hài lòng với những thành tựu của toàn cầu hóa cũng như kỳ vọng với độ mở của nền kinh tế khá lớn.

Dịch xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đã làm bộc lộ những điểm yếu của toàn cầu hóa. Dù có tuyên bố của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhưng chỉ số chứng khoán Dow Jones phiên ngày 23/3 vẫn mất tới 600 điểm, trước đó là 1.200 điểm. Nhiều hãng hàng không quốc tế phải tạm dừng khai thác các tuyến bay khi hầu hết các quốc gia đều mong muốn hạn chế hoặc tạm dừng nhập cảnh, kể cả đi lại trong quốc nội để tránh dịch lây lan. Hãng ô tô Ford đã phải thông báo tạm dừng sản xuất ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Khi đối mặt với nguy cơ cách ly, phong tỏa, dịch bệnh… cái mà người ta tìm đến nhiều nhất không phải là sản phẩm công nghệ cao, xa xỉ phẩm mà là những hàng hóa thiết yếu lâu nay nhiều quốc gia đã “chuyển giao công nghệ” cho các nước đang phát triển như thực phẩm tươi sống, khẩu trang và giấy vệ sinh. Và chưa bao giờ câu nói vui “Khi Trung Quốc hắt hơi, cả thế giới cảm lạnh” lại đúng đến như thế. Nếu như dịch bệnh ở Trung Quốc không được khống chế kịp thời, nhiều ngành sản xuất có thể rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu, phụ liệu, nhiều doanh nghiệp sản xuất trên thế giới có thể phải tạm dừng sản xuất, trong đó có nhiều doanh nghiệp Việt, đồng thời nhiều hàng hóa nông sản khó xuất khẩu mà Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Dĩ nhiên, khi dịch bệnh được khống chế, quá trình toàn cầu hóa sẽ lại tiếp tục, nhưng sẽ có những toan tính khác từ phía các Chính phủ. Khởi động lại toàn cầu hóa, yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế chắc chắn không phải chỉ đặt ra đối với riêng Việt Nam. Trong bối cảnh dịch dã, chúng ta cũng đã kịp nhìn thấy điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế để lựa chọn hướng đi đúng cũng như ngành hàng mũi nhọn, trọng điểm. Việt Nam chắc chắn sẽ cần ưu tiên hơn nữa cho nông nghiệp và những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Việc giảm sự phụ thuộc đối với thị trường bên ngoài trở thành yêu cầu sống còn với kinh tế Việt Nam, nhất là trong vài năm tới, khi tất cả các quốc gia đều phải nỗ lực phục hồi sau dịch bệnh. Doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh Việt Nam phải khẳng định chất lượng sản phẩm để bước vào cuộc cạnh tranh, đồng thời Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần tạo điều kiện mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp Việt phát triển./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận