Kinh doanh bằng sự tử tế?

Trên mạng xã hội Facebook có một cửa hàng được đặt cái tên dài dòng: 'Cửa tiệm nhỏ, bán hàng bằng sự tử tế'...

Trên mạng xã hội Facebook có một cửa hàng được đặt cái tên dài dòng: “Cửa tiệm nhỏ, bán hàng bằng sự tử tế”. Nghe khá buồn cười, vì ai bán hàng chả đặt ra tiêu chí tử tế làm trọng. Nhưng ngẫm kỹ, sự thực không hẳn là thế.

Cách hành xử của nhiều tên tuổi lớn trên thị trường bán lẻ thời gian qua cho thấy: sự tử tế dường như ngày càng mất mát trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt. Điểm lại những vụ việc lùm xùm thời gian gần đây, người ta có thể nhìn thấy, một bộ phận người kinh doanh đang bất chấp tất cả, kể cả lợi ích và uy tín quốc gia, kể cả sức khỏe cộng đồng, để đạt được lợi nhuận bằng mọi giá. Những Khaisilk, Asanzo thay nhãn mác, những Nem, Seven.am dính nghi vấn sửa nhãn… không chỉ mang lại thiệt hại cho những người dùng sản phẩm của họ, mà còn có thể khiến cả một ngành kinh tế liên quan lao đao.

Ngay như vụ việc Big C ngừng nhập hàng của 200 nhà cung cấp sản phẩm dệt may của Việt Nam cũng được một số chuyên gia thương mại đánh giá là không tử tế. Đã đành rằng sản phẩm của các nhà cung ứng đó có thể không đáp ứng được đúng nhu cầu của đại siêu thị Big C, rằng mọi thỏa thuận đều có trong hợp đồng và Big C “chẳng làm gì sai”... Nhưng một bản hợp đồng mà nhà cung cấp phải ở thế dưới, không nhanh tay ký là mất mối hời, và một đại siêu thị mà chỉ một thông báo là sẵn sàng hất 200 doanh nghiệp với hàng ngàn lao động ra đường thì khó được coi là “bán hàng bằng sự tử tế”. Đó là chưa kể, không thể phủ nhận những ưu đãi mà ngành Công Thương và Chính phủ Việt Nam đã dành cho doanh nghiệp này hơn 20 năm qua, những chương trình xúc tiến thương mại đặc sản địa phương cũng được dồn về cho Big C chứ không phải cho những doanh nghiệp có thể gọi là “Thuần Việt” như Hapro hay Co.op Mart…

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, khi vận hành theo cơ chế thị trường, chúng ta không thể cứ vin sự tử tế để đưa hoạt động của các doanh nghiệp đi đúng hướng, mà tất cả phải được điều hành bằng pháp luật. Muốn như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn nhận rõ những nguy cơ và lắng nghe những lời cảnh báo từ các chuyên gia. Ví dụ như nguy cơ mất thị trường, trở thành người làm thuê cho đối tác nước ngoài của doanh nghiệp Việt khi hệ thống phân phối rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Hay nguy cơ bị Mỹ và các nước đánh thuế chống bán phá giá, chống lẩn tránh rất cao nếu như phát hiện ra doanh nghiệp Việt Nam đánh tráo nhãn mác… Nếu không củng cố hệ thống phân phối trong nước bằng các biện pháp hỗ trợ phù hợp trên mọi phương diện, nếu không đề cao cảnh giác và xử lý thật mạnh tay những doanh nghiệp gian lận nhãn mác, có thể tạm gọi là “cõng rắn cắn gà nhà”, thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể trụ lâu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, và người tiêu dùng sẽ có ít cơ hội hưởng thụ sự tử tế do doanh nghiệp trong nước mang lại./.

Bình luận

    Chưa có bình luận