Lại 'chia tay' một thương hiệu Việt

Thông tin Công ty giày và túi hàng đầu Việt Nam Vascara được bán cho Stripe International Nhật Bản khiến cho người quan tâm không tránh khỏi băn khoăn.

Thông tin Công ty giày và túi hàng đầu Việt Nam Vascara được bán cho Stripe International Nhật Bản khiến cho người quan tâm không tránh khỏi băn khoăn. Băn khoăn trước tương lai của một nhãn hiệu đã từng được xếp vào hạng lớn trong ngành túi, giày thời trang Việt, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Băn khoăn trước cơ hội được sử dụng hàng tốt giá mềm của người tiêu dùng Việt liệu có còn được duy trì khi doanh nghiệp đã trở thành “người ngoài”. Và băn khoăn trước tương lai của doanh nghiệp Việt, khi những thương hiệu đình đám dần dần về tay các tập đoàn lớn của nước ngoài.

Vascara là doanh nghiệp tư nhân nên toàn quyền trong việc mua bán, sáp nhập. Nhưng thật đáng tiếc khi không còn giữ được thương hiệu giày, túi xách đang sở hữu hệ thống 134 cửa hàng trên toàn quốc và thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách hàng mua sắm. Stripe International cũng là tập đoàn đã mua lại thương hiệu thời trang NEM, một trong số không nhiều thương hiệu thời trang nội thành công trong việc cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.

Trước Vascara đã có hàng loạt thương hiệu nội đang hoạt động tốt, chiếm được cảm tình của khách hàng trong nước, được các đối tác nước ngoài ghi nhận, bị “bán” vào tay ông chủ “ngoại”. Từ P/S, Dạ Lan, Vietronics… ngày trước đến Nguyễn Kim, Sabeco… gần đây, thương hiệu Việt đã dần bị “thôn tính” như thế.

Ai cũng hiểu, chuyện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp là “chuyện thường ngày ở huyện” trong kinh doanh. Nhưng vì sao cứ phải bán đi những thương hiệu đang ăn nên làm ra? Nhất là những thương hiệu từng được coi như một dạng “tài sản” chung, từng được hưởng rất nhiều cơ chế ưu tiên khi còn là doanh nghiệp Nhà nước như Sabeco chẳng hạn, niềm tự hào của ngành sản xuất đồ uống Việt Nam và đang làm ăn có lãi? Việc bán đi những thương hiệu ấy có thực sự mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế cũng như cho bản thân doanh nghiệp hay không?

Tất nhiên, với tư cách là người mua, đối tác nước ngoài sẽ không bao giờ lựa chọn những doanh nghiệp làm ăn bí bét, mà phải chọn phương án mua bán mang lại lợi ích lớn nhất cho họ. Nhưng rõ ràng, với tư cách người bán, chúng ta cũng hoàn toàn có quyền lựa chọn việc bán hay không bán, thậm chí có thể lựa chọn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, quảng bá thương hiệu rộng hơn, chứ không phải chọn cách dễ dàng nhất là bán lấy tiền.

Thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) của Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Theo đánh giá của Diễn đàn M&A Vietnam Forum 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A 7 tháng đạt 5,43 tỷ USD và dự báo năm nay có thể đạt gần 7,6 tỷ USD. Đây sẽ là cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho việc lựa chọn giải pháp phù hợp đối với mỗi doanh nghiệp.

Bình luận

    Chưa có bình luận