Cuộc đua của doanh nghiệp Việt thời kinh tế số

Các chuyên gia kinh tế đều công nhận, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh chóng

 

Kinh tế số vốn dĩ không bắt nguồn từ Việt Nam, và hạ tầng của Việt Nam (bao gồm cả thanh toán số, chữ ký số) còn lâu mới có thể đáp ứng được yêu cầu của kinh tế số. Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế đều công nhận, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh chóng.

Nghiên cứu của Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ) cho thấy: Việt Nam xếp hạng 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, đồng thời xếp hạng 22 về tốc độ phát triển số hóa. Với 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, kinh tế số và thương mại điện tử Việt Nam sẽ không khó để duy trì mức tăng trưởng 20% - 25% như đã đạt được những năm gần đây.

 

Nhưng cơ hội càng lớn thì cạnh tranh càng gay gắt. Chợ điện tử chính thống đầu tiên của Việt Nam với tên gọi chodientu.vn gần như không ai còn nhắc đến. Những mô hình kinh tế số mới như chợ điện tử, ứng dụng gọi xe, ứng dụng đặt chỗ…chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, quản lý và phát triển, như shopee, Lazada, Grab, Agoda…Nhiều ứng dụng Việt hoặc bị bán cho nước ngoài sau khi có chút danh, hoặc chật vật trong cuộc chiến cạnh tranh. Lóe sáng những Tiki, GoViet, Be…nhưng thách thức với họ còn rất nhiều, chặng đường rất chông gai.

Để doanh nghiệp trong nước có thể phát triển trong lĩnh vực kinh tế số đầy mới mẻ và thách thức, thì bên cạnh việc tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp - Nhà nước hay tư nhân, trong nước hay ngoài nước - cùng phát triển, thì rất cần cảnh giác với những chiêu thức “lách luật” tinh vi của các doanh nghiệp nước ngoài để tránh tình trạng nguồn lực thu hút được từ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất Việt Nam bị chuyển ra nước khác theo những con đường mà chỉ doanh nghiệp mới biết. Một trong những việc cần làm là siết chặt quản lý đối với những ví điện tử được các doanh nghiệp này mở ra không theo đúng quy định của Ngân hàng nhà nước, như ví Moca của Grab hay AirPay của Shopee... Phương thức thanh toán điện tử này nếu để phát triển ồ ạt mà không có giải pháp kiểm soát chặt chẽ thì sẽ khó ngăn được dòng tiền chảy ra nước ngoài. Cùng với đó là việc định danh và áp những mức thuế phù hợp để đảm bảo người tiêu dùng được hưởng lợi, doanh nghiệp phát triển và ngân sách tránh thất thu.

Kinh tế số không bắt nguồn từ Việt Nam, hạ tầng kinh tế của Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết lại càng đòi hỏi cơ quan quản lý thực sự nhìn xa trông rộng cũng như tích cực học hỏi kinh nghiệm của các nước để Việt Nam phát triển theo dòng chảy của kinh tế thế giới./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận