Để kinh tế là một dòng chảy

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế là một dòng chảy, không được dừng, cần giải quyết các tồn tại để dòng chảy ấy ngày càng lớn.

 

Tại cuộc họp Chính phủ tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, kinh tế là một dòng chảy, không được dừng, cần giải quyết các tồn tại để dòng chảy ấy ngày càng lớn. Đây là trách nhiệm của Chính phủ kiến tạo phát triển.

Tinh thần ấy của Chính phủ kiến tạo, phát triển đã được đưa ra từ 3 năm trước, với các Nghị quyết 01, 02 hàng năm, trong đó xác định rõ từng mục tiêu để “khơi thông” dòng chảy của nền kinh tế, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho tất cả doanh nghiệp tham gia đóng góp vào “dòng chảy” ấy.

Quyết tâm và chỉ đạo của Chính phủ đã dần lan tỏa tới các bộ, ngành, địa phương với số điều kiện kinh doanh, hay còn gọi là giấy phép con, năm 2018 đã được nhiều bộ ngành cắt giảm trên 50%, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cũng cắt giảm đáng kể…

Toàn cảnh phiên họp Chính Phủ. Ảnh: Nhật Bắc/Cổng Chính phủ.

Nhờ đó, 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong 5 năm trở lại đây, với 67.000 doanh nghiệp. Đáng chú ý, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 21.600 doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (21.100 doanh nghiệp), cho thấy, các doanh nghiệp đã cảm nhận được nhiều chuyển biến tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Những chuyển biến ấy cũng thể hiện ở kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 có điểm trung vị cao hơn hẳn mọi năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp vẫn cho rằng, những nỗ lực cải cách đó chưa thực sự theo kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Do đó kết quả giải ngân vốn ODA, vốn đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm. Đặc biệt giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm 2019 thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Một số điều kiện kinh doanh tuy được gọi là rút gọn nhưng thực chất lại được ẩn trong những điều kiện khác, khiến thời gian, công sức, chi phí để doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục hành chính vẫn cao, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, có những hoạt động cải cách chỉ mang tính hình thức, nhìn từ góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp nên vẫn gây ách tắc cho “dòng chảy” kinh tế. Thực tiễn ở nhiều địa phương cho thấy, không phải cán bộ, công chức nào trong bộ máy hành chính cũng thực sự nỗ lực thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, trái lại vẫn còn những cán bộ công chức phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp nhằm mưu lợi cá nhân.

Đây là thực tế mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất lưu tâm. Thủ tướng cũng yêu cầu: Kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương, ở mọi ngành sẽ được đưa vào đánh giá thi đua cuối năm. Xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ, cản trở phát triển.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận