Khúc mắc tồn tại đã từ nhiều thập kỷ nay giữa Mỹ và Iran, trong đó có vấn đề hạt nhân của Iran. Cuộc giằng co giữa Mỹ và Iran trong vấn đề này không hề mới mẻ gì đối với tổng thống đương nhiệm của Mỹ Joe Biden và tổng thống vừa đắc cử của Iran Ebrahim Raisi. Khi thoả thuận về vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) được ký kết năm 2015 giữa Mỹ, Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, ông Biden là phó tổng thống Mỹ, còn ông Raisi đã trở thành cộng sự được lãnh tụ tôn giáo của Iran Khamenei sủng ái nhất nên cũng không lạ lẫm gì thoả thuận này. Nhưng rồi người tiền nhiệm của ông Biden rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA nên vấn đề hạt nhân của Iran lại trở nên thời sự trong chính trị thế giới và trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran. Cuộc chơi cũ này bây giờ được chơi giữa hai người mới ở Mỹ và Iran khi cả hai đều đã trở thành tổng thống đất nước và phải trực tiếp xử lý chuyện này.
Với sự đắc cử tổng thống của ông Raisi ở Iran, quan hệ giữa Mỹ và Iran chắc chắn sẽ trở nên thêm phức tạp bởi ông Raisi không theo quan điểm ôn hoà như người tiền nhiệm mà cứng rắn và bảo thủ. Với việc ông Biden lên cầm quyền ở Mỹ, JCPOA có cơ hội được hồi sinh. Ông Raisi đã bộc lộ ngay quan điểm cứng rắn đối với Mỹ. Ông Biden cũng chưa khắc phục mọi vi phạm JCPOA mà người tiền nhiệm đã làm và vì thế mà Iran dần rời bỏ những cam kết của Iran trong JCPOA. Nhưng điều hiện có thể trù liệu được là Mỹ và Iran sớm hay muộn, trước hay sau khi ông Raisi chính thức nhậm chức tổng thống ở Iran rồi cũng sẽ đạt được thoả thuận về việc cùng trở lại JCPOA, đơn giản bởi JCPOA có lợi cho cả hai bên. Iran cần được dỡ bỏ mọi biện pháp chính sách trừng phạt. Mỹ cần thêm thời gian để nhằm tới thoả thuận mới với Iran vừa thay thế JCPOA vừa mở rộng sang cho cả những phương diện khác nữa mà Mỹ quan tâm. Ông Raisi cứng rắn với Mỹ nhưng đủ thức thời để thấy rằng không thể giáo điều đến sơ cứng và cố chấp tuyệt đối với Mỹ./.
Ngân Hà