Công cụ lãi suất liệu có hữu dụng trong năm 2021?

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sử dụng công cụ lãi suất một cách hữu hiệu, linh hoạt, giảm áp lực lên nền kinh tế

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sử dụng công cụ lãi suất một cách hữu hiệu, linh hoạt, làm giảm nhiệt thị trường tín dụng, giảm áp lực lên nền kinh tế. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể sử dụng công cụ này để điều hành vĩ mô, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Mặc dù vậy, công cụ lãi suất vẫn được sử dụng như một giải pháp tạm thời nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh sản xuất đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, mối liên hệ giữa các quốc gia bị gián đoạn trong đại dịch. Nhưng cũng như nhiều lần áp dụng khác, mức giảm mạnh chủ yếu ở mảng huy động vốn, hay nói cách khác là giảm lãi suất tiền gửi. Còn ở phân khúc cho vay - đặc biệt là cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh - lãi suất giảm không đáng kể. Hiện lãi suất cho vay ưu đãi tín chấp vẫn dao động 8,4 - 15,96%/năm, lãi suất sau ưu đãi lên tới 16 - 25%/năm. Vay thế chấp ưu đãi 6 - 8,3%, sau ưu đãi 10 - 12%/năm. Mặc dù lãi suất cho vay có hạ, nhưng với khả năng chống chịu và khả năng hấp thu vốn của doanh nghiệp trong đại dịch, năm 2020, tăng trưởng tín dụng vẫn chủ yếu ở phân khúc cho vay tiêu dùng, mua bán tài sản, đặc biệt là đầu tư chứng khoán. Nếu như năm 2019 giao dịch chứng khoán trung bình 4.000 tỷ đồng/phiên thì những tháng cuối năm 2020 lên tới 20.000 tỷ đồng/phiên; đồng thời giá bất động sản cũng tăng khoảng 30% và gần như không còn phân khúc giá trung bình dưới 20 triệu đồng/m2 nữa. Điều đó cho thấy tâm lý bất ổn của người dân trước mối đe dọa của dịch Covid-19 và mong muốn tìm nơi cất giữ tài sản trú ẩn thay thế gửi tiết kiệm đang có lãi suất rất thấp, không đảm bảo niềm tin nếu dịch bệnh  kéo dài.

Trong khi đó, lãi suất huy động những tháng cuối năm 2020 giảm đáng kể, lãi suất tiền gửi ở nhiều ngân hàng xuống dưới 5%/năm, là mức lãi suất rất thấp sau một thời gian dài ổn định ở mức có lợi cho khách hàng. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, PGS.TS Phạm Thế  Anh: “Hạ lãi suất tiền gửi, ở một khía cạnh nào đó, đang giảm thu nhập của những người có thu nhập thấp trong xã hội. Khi thu nhập giảm, tầng lớp này càng thắt chặt chi tiêu khiến cầu giảm, hàng hóa bán kém. Cái chúng ta cần là giảm lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động. Có thể nói, công cụ lãi suất chưa chắc đã có tác dụng với kinh tế Việt Nam ở bối cảnh hiện tại…”

Đầu tuần này, tiếp sau “phát súng” mở màn của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam Techcombank và Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng VPBank, một số ngân hàng khác cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi, đưa lãi suất lên một mặt bằng mới, dù còn thấp hơn nhiều mức bình quân trước đây, những cũng đã khởi sắc so với nửa cuối năm 2020. Theo các chuyên gia, cũng không loại trừ khả năng lạm phát tháng 2 tăng đã tạo thành áp lực buộc các ngân hàng tăng lãi suất.

Lãi suất tăng giảm là chuyện bình thường trong kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong điều hành vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi của người vay (đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp) và người cho vay (là người dân có tiền gửi tiết kiệm) tương ứng với hiệu quả kinh doanh của ngân hàng./.

Bình luận

    Chưa có bình luận