Gian nan hàng Việt ra thị trường

VinFast Fadil vượt qua i10 của Hyundai trở thành xe cỡ nhỏ được người Việt ưa chuộng nhất, BKAV chuẩn bị ra điện thoại Bphone phiên bản mới...

VinFast Fadil vượt qua i10 của Hyundai trở thành xe cỡ nhỏ được người Việt ưa chuộng nhất, BKAV chuẩn bị ra điện thoại Bphone phiên bản mới... Những thông tin đó lẽ ra được đông đảo người tiêu dùng Việt Nam đón nhận, vui mừng. Nhưng thực tế không hẳn vậy. Có khá nhiều làn sóng công kích những nhà sản xuất lớn này của Việt Nam khi cho rằng sản phẩm thực chất chưa tương xứng với vị thế đó. Đây là điều đáng buồn, khi người Việt chưa ưu ái cho sản phẩm Việt như kỳ vọng.
Không nên vội trách người tiêu dùng Việt khắt khe, chưa dành sự cảm thông, chia sẻ với các nhà sản xuất Việt. Bởi lẽ, với người tiêu dùng, sản phẩm hấp dẫn phải là giá cả phù hợp, chất lượng tốt.
Có một thực tế đã tồn tại từ rất lâu nhưng chưa được khắc phục, đó là chất lượng hàng Việt không đồng đều, và thường theo chiều hướng các lô hàng ra sau chất lượng giảm so với lô hàng đầu tiên được chào bán. Chính sự không đồng đều đó khiến nhiều người chưa thực sự yên tâm khi mua và sử dụng hàng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, nhất là những sản phẩm có giá trị cao như tivi, điện thoại, ô tô. Đó là chưa kể sự thiếu minh bạch, không đầy đủ thông tin khiến những “nghi án” tráo hàng càng trở nên dai dẳng, “đeo bám” doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín của họ, ngay cả khi họ đã nỗ lực khắc phục, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Trong khi đó, giá hàng hóa sản xuất tại Việt Nam rất khó để giảm sâu, vì sản xuất của nước ta phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, nhiên, phụ liệu nhập khẩu, quy mô sản xuất nhỏ càng khó giảm được giá thành. Khâu phân phối cũng qua nhiều tầng nấc trung gian và chi phí “bôi trơn”, đẩy giá hàng hóa sản xuất trong nước lên cao. Ngoài ra còn có tâm lý người tiêu dùng càng chuộng thì càng nâng giá lên. Câu chuyện này không chỉ xảy ra với hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, mà cả hàng hóa do doanh nghiệp FDI sản xuất, như việc các cửa hàng bán xe và giới thiệu sản phẩm do Honda ủy nhiệm (HEAD) nâng giá các dòng xe của Honda khi có nhu cầu cao.
Tình trạng quảng cáo vống, không đúng thực tế cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng mất lòng tin và khó mở lòng với hàng Việt. Sự thiếu liên kết dẫn tới tình trạng doanh nghiệp kinh doanh cùng một mặt hàng thường ép giá, dìm giá, tranh giành khách của nhau, dẫn tới đôi bên đều bất lợi.
Con đường hàng Việt chiếm lĩnh được thiện cảm của người tiêu dùng Việt không thể chỉ bằng vận động, mà còn phải từ nỗ lực tự thân của doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp. Nếu như có mức giá tương đương hàng nhập khẩu thì hàng Việt phải chứng minh được tính ưu việt của mình. Nhìn từ câu chuyện của xe ô tô và xe máy điện VinFast, khi người tiêu dùng đã bị thuyết phục, thì chuyện ủng hộ chỉ là sớm hay muộn mà thôi./.

Bình luận

    Chưa có bình luận