Già làng Cơ Tu làm giàu từ trồng sâm Ba kích

Từ củ sâm Ba kích mà nay gia đình ông Bhríu Pố có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, con cái được học hành đầy đủ.

 

Ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam ai cũng biết và tự hào về già làng Bhríu Pố, bởi ông là người Cơ Tu đầu tiên học hết Đại học, làm Chủ tịch UBND xã 2 khóa, rồi làm Bí thư Đảng uỷ xã 3 nhiệm kỳ. Già làng Bhríu Pố nổi danh là ông “Vua Ba kích”, “Dám nghĩ, dám làm” tiên phong phát triển mô hình trồng dược liệu, vươn lên làm giàu và giúp người dân quê hương từng bước đẩy lùi đói nghèo.

Câu chuyện về già làng Bh’riu Pố bắt đầu từ năm 2003, khi ông đang là Bí thư Đảng ủy xã Lăng. Lúc đó, một cán bộ Viện Dược liệu Trung ương về xã khảo sát, tìm hiểu các loại cây dược liệu quý, trong đó có cây sâm Ba kích.

Thời điểm đó, trên rừng nhất A Rớh quê ông mọc rất nhiều loại cây này, nhưng không mấy ai biết giá trị của nó. Khi biết được giá trị kinh tế của sâm Ba kích, năm 2006 ông nảy ra ý định và tiên phong trồng thử loại cây này. Sau 3 năm cực khổ vun trồng, già làng Bh’riu Pố bán đợt Ba kích đầu tiên với giá 300.000 đồng/kg.

"Ngay từ đầu gia đình xác định trồng Ba kích là muốn làm kinh tế để xóa đói nghèo. Hơn nữa, đây là một loại cây quý cần giữ gìn và phát triển. Ba kích trồng cũng không khó nhưng bán rất dễ vì nó có công dụng làm thuốc rất tốt cho mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Trồng Ba kích vừa bảo vệ nguồn dược liệu vừa làm kinh tế”, ông A Rớh bộc bạch.

Đến bây giờ, ông Bh’riu Pố đã trồng được 1,2ha Ba kích, mỗi năm khai thác khoảng 2.000 gốc thu từ 120 - 150 triệu đồng. Từ củ sâm Ba kích Tây Giang mà nay gia đình ông có đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt như ti vi, xe máy, tủ lạnh,… con cái được học hành đầy đủ. Đó là những thứ mà trước đây ông chưa bao giờ dám mơ tới.

Thấy việc trồng Ba kích đem lại hiệu quả, nhiều người dân trong thôn, xã dần học tập làm theo. Ông Bh’riu Pố dành riêng 1 vườn ươm giống Ba kích, giúp bà con trong xã mở rộng diện tích vừa có thêm thu nhập, vừa bảo tồn được giống dược liệu quý hiếm này.

Anh Cơlâu Thái Ngọc, ở thôn Prning, xã Lăng có vườn Ba kích rộng gần 5ha cho biết, trước đây chỉ trông chờ vào mấy sào rẫy trồng ngô, thỉnh thoảng đi làm thuê theo mùa vụ, vì vậy nghèo đói cứ đeo bám quanh năm.

Sau khi được sự giúp đỡ của ông Bh’riu Pố, anh đã khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng Ba kích. Hiện giờ, gia đình anh có thêm của ăn, của để, thu nhập bình quân 150-180 triệu đồng/năm.

“Ông Pố hay đến từng nhà để vận động bà con làm vườn phát triển kinh tế. Ông bày cách trồng Ba kích và các loại cây ăn quả, chăn nuôi. Đặc biệt, lứa thanh niên nhờ ông bày dạy cách trồng sâm Ba kích đã khởi nghiệp bước đầu thành công”, anh Cơlâu Thái Ngọc cảm kích cho biết.

Từ hiệu quả kinh tế của cây Ba kích, lãnh đạo huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã xác định đây không chỉ là cây thuốc quý mà còn là “cây xóa đói giảm nghèo” cho địa phương. Hiện nay, giá Ba kích tươi khoảng 500.000 đồng/kg. Huyện Tây Giang đã thành lập một trung tâm công nghệ sinh học để nghiên cứu, nhân rộng mô hình.

Ông Bh’riu Pố là người đầu tiên trồng thử nghiệm cây sâm Ba kích trên vùng núi tỉnh Quảng Nam.

Ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, già làng Bh’riu Pố là một trong những đảng viên gương mẫu, tiên phong thực hiện chủ trương, chính sách của huyện trong phát triển kinh tế. Sau khi nghỉ hưu ông tích cực tham gia giúp nhiều người dân thoát nghèo.

“Già làng Bh’riu Pố là một trong những người được mệnh danh là “Vua Ba kích” của xã Lăng. Hiện nay, ngoài việc sản xuất giỏi, ông còn có thêm nghề điêu khắc và tham gia rất nhiều hoạt động lễ hội, hội thi của huyện để tạo ra những sản phẩm điêu khắc từ bàn tay rất tinh hoa, bài bản của người Cơ Tu”, ông Linh thông tin.

Hiện nay, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đang nhân rộng mô hình trồng Ba kích với diện tích hơn 250 ha. Đã có 3 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con. Trong bạt ngàn núi rừng, cây Ba kích và nhiều loại dược liệu quý đặc trưng của vùng, đang dần hồi sinh đem lại sự đổi thay cho người dân nơi đây trong đó có công của già làng Bh’riu Pố của núi rừng Tây Giang./.

Phương Cúc/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận