Bác sĩ Việt Nam đầu tiên tham gia hợp tác nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 tại Đức

Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về thuốc Hydroxychloroquine trên bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

 

Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Y học Việt - Đức (VG-CARE) thuộc Bệnh viện TƯ Quân đội 108 đã cung cấp cho Viện Nghiên cứu Y học nhiệt đới - Đại học Tuebingen 6.000 ống lấy mẫu bệnh phẩm cho một nghiên cứu lâm sàng thuốc điều trị Covid-19. Bác sĩ Bùi Văn Long của Bệnh viện 108 đã vận chuyển kịp thời các ống lấy mẫu bệnh phẩm đến Đức. Và hiện tại, vị bác sĩ sinh năm 1993 cũng đang trực tiếp tham gia vào quá trình nghiên cứu thuốc chữa Covid-19 tại Đức. Bác sĩ (Bs) Bùi Văn Long trả lời phỏng vấn VOV5 về những nhiệm vụ này.

PV: Thưa anh, Bệnh viện TƯ quân đội 108 và Đại học Tuebingen đã ra quyết định nhanh chóng và phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng. Anh có thể chia sẻ thêm về chương trình hành động lần này?

Bs Bùi Văn Long: Viện nhiệt đới Tuebingen và Bệnh viện TƯ Quân đội 108 đã hợp tác với nhau trên 20 năm, vào tháng 1 năm 2018 hai bên đã thành lập trung tâm y học Việt Đức (VG Care) với vai trò là cơ sở nghiên cứu độc lập vì lợi ích cộng đồng. Ngay khi nhóm nghiên cứu ở Đức nhận được phê duyệt tiến hành nghiên cứu thì ngày 26/03 họ đã chuẩn bị trang thiết bị y tế cần thiết và phát hiện ra thiếu dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm do dịch lúc đó đã bùng phát mạnh mẽ ở Đức rồi. Lúc đó họ đã liên lạc ngay với PGS TS Lê Hữu Song, phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đồng giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Y học Việt - Đức VG Care để nhờ sự giúp đỡ.

PGS Song đã liên lạc với tôi để thông báo nhiệm vụ này và và đề nghị tôi tham gia vào chương trình để hỗ trợ các đồng nghiệp Việt - Đức. Điều quan trọng nhất là làm sao để đưa được các dụng cụ cần thiết đến Đức kịp thời gian. Tôi nhận nhiệm vụ vào chiều ngày 26/3 mà ngày 4/4 nghiên cứu đã bắt đầu rồi trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, hầu hết các sân bay đã và đang đóng cửa và Đức cũng dừng tiếp nhận khách quốc tế vào nước họ. Trung tâm VG-CARE đã phối hợp với Đại sứ quán Đức để cấp giấy bảo lãnh cho tôi. Đại sứ quán Đức cũng phải liên hệ với Bộ Y Tế và Bộ Nội vụ của Đức để thông báo với Hải quan Đức trường hợp đặc biệt của tôi để giúp tôi nhập cảnh vào Đức thành công.

PV: Làm thế nào để mang hơn 6.000 ống xét nghiệm đến Đức kịp thời khi mà hầu như mọi chuyến bay quốc tế đều bị hủy do dịch bệnh?

Bs Bùi Văn Long: Đây là một trải nghiệm đặc biệt đối với tôi. Tôi chỉ có hơn một ngày để chuẩn bị mọi thứ từ lúc biết nhiệm vụ cho đến lúc bay trong thời điểm mọi người đang tìm cách rời khỏi châu Âu về nhà mình thì lại đi vào vùng dịch nên tôi đã không báo cho bố mẹ trước chuyến bay mà chỉ báo sau khi đã đến nơi vì sợ bố mẹ lo lắng. Thay vì bay thẳng 11 giờ đến Đức như những lần trước, chuyến bay vừa rồi tôi đã bay mất hơn hai ngày từ ngày 28/3 đến ngày 30/3 đi qua 4 sân bay và di chuyển tiếp 4 tiếng bằng taxi từ Berlin đến Tübingen. Tôi về đến khách sạn vào lúc 4 giờ sáng. Tôi cũng rất vui vì đã làm được điều gì đó cho cộng đồng, và những điều đó rất nhỏ so với những gì đồng nghiệp của tôi đang làm.

Bác sĩ Bùi Văn Long.

PV: Hiện tại anh là bác sĩ Việt Nam đầu tiên tham gia trực tiếp vào quá trình nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19, anh có thể chia sẻ một vài thông tin về dự án này?

Bs Bùi Văn Long: Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về thuốc Hydroxychloroquine trên bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 với biện pháp thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng giả dược. Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về thuốc điều trị SARS-CoV-2 là giáo sư Velevan trưởng nhóm nghiên cứu ở viện nhiệt đới Tuebingen và cũng là đồng giám đốc của VG-Care ở phía Đức, nghiên cứu viên chính là Giáo sư Peter Kremsne ở viện nhiệt đới ở Tuebingen Đức.

Nghiên cứu được thực hiện tại ba thành phố của Đức là Tuebingen, Hamburg và Stuttgart, trong đó Tuebingen đóng vai trò là dẫn dắt và cơ sở chính. Về cơ sở khoa học trước đó thì đã có những nghiên cứu trong ống nghiệm cũng như là trên bệnh nhân ở Trung Quốc và Pháp để đánh giá cơ chế và hiệu quả của thuốc trị SARS-CoV-2. Tuy nhiên tất cả những nghiên cứu trước đó là những nghiên cứu với cỡ mẫu nhỏ và là nghiên cứu quan sát mô tả chứ không phải là nghiên cứu thực hiện ngẫu nhiên với đối chứng giả dược, vì thế chưa đủ chứng minh hiệu quả của thuốc để có thể áp dụng trên diện rộng đối với bệnh nhân SARS-CoV-2. Nghiên cứu lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết được điều đó.

PV: Vậy cụ thể nhiệm vụ của anh trong nghiên cứu này là gì?

Bs Bùi Văn Long: Nghiên cứu này được thực hiện trên 220 bệnh nhân được chia làm hai nhóm: 50% là dùng thuốc Hydroxychloroquine, số còn lại dùng giả dược, các bệnh nhân sẽ được uống thuốc trong vòng 7 ngày với liều lượng 600mg/ngày, sau đó bệnh nhân sẽ được kiểm tra bằng mẫu nhầy họng để định lượng virus bằng phương pháp sinh học phân tử và chúng tôi sẽ so sánh sự khác nhau giữa hai nhóm để xem thuốc có thực sự có tác dụng trong việc điều trị SARS-CoV-2 và các tác dụng phụ.

Ở Tuebingen chúng tôi có khoảng 10 người tham gia nhóm nghiên cứu gồm các bác sĩ ở các bệnh viện lấy mẫu bệnh phẩm cùng các nghiên cứu viên trong phòng thí nghiệm.

Tôi đang tham gia ở khâu thứ hai cùng với nhóm nghiên cứu của mình để đo tải lượng virus trong phòng xét nghiệm. Theo kế hoạch trong vòng khoảng ba tuần nữa chúng tôi sẽ phân tích nhóm đầu tiên mà chúng tôi có để đưa ra những đánh giá đầu tiên, để có được kết quả cuối cùng thì chắc phải từ cuối năm nay trở đi.

PV: Cảm ơn anh về những thông tin vừa rồi. Chúc anh và các đồng nghiệp sức khỏe và sớm đạt được thành công trong công tác nghiên cứu!

Thúy Hằng/VOV5.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận