Nông dân núi 'chơi lớn' với trai ngọc

Nghiêm Quang Tuấn ở thị trấn M’Đrắk, huyện M’Đrắk chọn khởi nghiệp với con trai nuôi lấy ngọc, dù biết loài vật nuôi này từng khiến không ít Startup mất nghiệp.

 

Báu vật trong ao nhà

Người đến thăm hồ nuôi trai của Nghiêm Quang Tuấn, rất có thể sẽ được ông chủ cho xem viên ngọc độc nhất vô nhị mà anh coi như tuyệt phẩm trong nghề, do thiên nhiên ban tặng ngẫu nhiên chứ không phải nuôi cấy giỏi là có. Đó là viên ngọc trai bất quy tắc, đường kính hơn 25mm, tỏa ra 5 màu lóng lánh.

Theo Nghiêm Quang Tuấn, đến thời điểm hiện tại, với kỹ thuật cấy ngọc trai nước ngọt hiện nay, kích thước 18mm đã là những viên ngọc rất “khủng”. Biến dị ngọc tự nhiên cũng chỉ tầm ấy. Kích thước 25mm, lại thêm màu sắc rực rỡ đương nhiên sẽ được thẩm định riêng chứ không theo thang bậc trong nghề. Và cho đến hiện tại, chưa có chuyên gia nào định giá được viên ngọc kỳ quý, thu được trong ao nhà, trên xứ cao nguyên M’Đrắk bạc màu.

“Cùng với viên ngọc tự nhiên này, cuối năm 2019, tôi đã thu lứa ngọc trai đầu tiên với khoảng 400 viên, bán phổ biến giá 300.000 đ/1viên. Ngoài số tiền gần 100 triệu đồng thu về, tôi giữ lại vài chục viên làm kỷ niệm, cũng là để cổ vũ cho những nông dân dám cùng tôi dấn thân vào lĩnh vực rất mới mẻ này” - Tuấn hồ hởi.

Viên ngọc trai bất quy tắc, đường kính hơn 25mm, tỏa ra 5 màu óng ánh.

Trai tiết xà cừ, người đổ mồ hôi

Nếu như con trai từng ngày giờ chịu đau, tiết ra chất xà cừ lóng lánh, biến dị vật trong cơ thể nó thành những viên ngọc sáng, thì Nghiêm Quang Tuấn cũng hằng ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt cùng trai. 

Đã 5 năm, dù dưới cái nắng gay gắt mùa khô, hay những ngày lạnh giữa mùa mưa tầm tã của cao nguyên M’Đrắk, theo định kỳ, Nghiêm Quang Tuấn lại tự mình lặn dưới khu ao hồ ở thôn 3, xã Krông Á để khám sức khỏe cho trai, kiểm tra quá trái thai nghén ngọc quý. Lần này, trong hồ nuôi lứa trai cấy ngọc từ đầu năm 2019, Tuấn cầm kìm chuyên dụng tỉ mỉ mở miệng từng con trai để kiểm tra. Anh cười rạng rỡ vì con nhiều thì có đến 4 viên ngọc, con ít cũng 1 - 2 viên, to cỡ hạt đậu nành.

“Loại trai đen cánh dày này là tôi di thực từ tỉnh Ninh Bình. Thường thì sau 2 năm là có thể thu hoạch được, nhưng nếu chưa cần thì không thu hoạch. Càng để lâu, giá trị ngọc trai càng lớn”, anh Tuấn cho biết.

Nhắc đến con trai đen cánh dày quê Ninh Bình, Nghiêm Quang Tuấn hồi tưởng lại năm anh vật lộn đưa trai lên núi. Đó là đầu năm 2015, khi đang là một thợ mộc có thâm niên hơn 20 năm, có nguồn thu nhập tương đối ổn định, trước tình cảnh rừng bị đóng cửa, nguồn gỗ đang cạn kiệt, anh tính đến việc đổi nghề.

Tình cờ xem được clip nói về việc nuôi trai nước ngọt lấy ngọc ở Ninh Bình, anh liền khăn gói đến học nghề. Sau 6 tháng, khi đã cơ bản nắm bắt được các kỹ thuật cần thiết, Nghiêm Quang Tuấn trở về cao nguyên M’Đrắk bắt tay vào làm. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng. Toàn bộ lứa trai đầu tiên đưa từ Ninh Bình lên cao nguyên đều chết sạch, thiệt hại hơn trăm triệu đồng. Năm sau, thất bại lại tiếp diễn với quy mô lớn hơn. Thời điểm khó khăn này, anh không chỉ bị bạn bè, người thân gọi là “gàn”, mà kinh tế gia đình cũng bị vắt kiệt, có lúc không có cả tiền để mua sữa cho con.

Nhưng sau nhiều gắng gượng, lứa nuôi từ 2018 đến 2019 đã đạt tỷ lệ sống hơn 80% và cho khoản thu nhập an ủi. Những lứa tiếp đó, tỷ lệ sống càng được cải thiện và chất lượng ngọc ngày một như ý. Ông chủ của những ao ngọc đầu tiên của vùng M’Đrắk lạc quan rằng, mồ hôi, nước mắt, tiền của đổ ra cùng trai, giờ đã đến giai đoạn kết ngọc: “Kết quả như anh thấy đấy. Trong ao rộng khoảng 100m2 này, tôi nuôi 2.000 con trai để lấy ngọc, đầu tư khoảng 70 triệu đồng. Qua 1 năm rồi, đã qua thời kỳ rủi ro trai chết. Thêm 1 năm nữa, nếu không có thiên tai bất thường, năng suất như giai đoạn thử nghiệm, lợi nhuận đạt được sẽ khoảng 300 triệu đồng”.

Anh Tuấn đang cấy trai, gây dựng mô hình khởi nghiệp nhiều tiềm năng ở M'Đrắk.

Quyết tâm “chơi lớn”

Từ thành công bước đầu, ông chủ ngọc trên vùng đất cát bạc màu Nghiêm Quang Tuấn đã liên kết với hơn 10 hộ gia đình ở M’Đrắk, nhân nuôi trai lấy ngọc trong 14 ao với số lượng khoảng 80.000 con. Thậm chí, mô hình này đang thí điểm nhân rộng sang huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.

Trong số các hộ liên kết, có bà Trịnh Thị Thu Thảo, ở thôn 3, xã Krông Á, huyện M’Đrắk, với quy mô 2.000m2 ao. Số trai trong ao có trị giá đầu tư cả trăm triệu đồng, nhưng bà Thảo chỉ bỏ ra vài chục triệu, còn lại là của Nghiêm Quang Tuấn thả xen, như một bảo chứng về chất lượng và sự tin cậy.

Tuấn đảm đương toàn bộ công nghệ cấy nhân, thả trai. Công việc của bà Thảo chỉ đơn thuần là theo dõi, định kỳ báo cáo và đảm bảo an ninh. Sau hơn 1 năm nuôi, trai đang phát triển rất tốt. “Nếu thành công, gia đình tôi cũng có thêm thu nhập. Rồi sau đó mình có thể hướng dẫn bà con trong xóm, có điều kiện như mình để cùng phát triển”, bà Thảo hy vọng.

Giải thích về việc “hướng dẫn bà con cùng phát triển”, anh Tuấn cho biết, nội dung phải hướng dẫn rất đơn giản, đó là nông dân chỉ phải chuẩn bị ao nuôi theo hướng dẫn, bỏ tiền ra mua một phần trai giống đã cấy nhân, và đảm bảo an ninh. Còn trung tâm của liên kết là anh, sẽ đảm đương toàn bộ con giống, cấy nhân, thu hoạch và đảm bảo đầu ra, mọi thứ đã được tính kỹ để giảm thấp nhất những rủi ro cho nông dân. “Bà con hoàn toàn nắm quyền chủ động. Không muốn đợi bán ngọc thì bán trai đang nuôi, tôi cũng mua lại với giá theo độ tuổi. Ngọc mình làm ra cũng không lo về thị trường, không phải cạnh tranh trực tiếp với ngọc trai Trung Quốc, vì mình cấy ít ngọc, nuôi lâu, chất lượng cao; bên họ cấy 1 trai vài chục viên, nhanh thu hoạch, năng suất cao, nhưng là hàng phải nhuộm màu, giá rẻ”, Nghiêm Quang Tuấn cho hay.

Với niềm đam mê, nhiệt huyết cùng sự cần cù, sáng tạo và dũng cảm dám thử nghiệm điều mới mẻ, Nghiêm Quang Tuấn đang gây dựng một mô hình khởi nghiệp mới lạ và nhiều tiềm năng ở M’Đrắk. Mô hình không chỉ có ý nghĩa như một nhánh của nghề nuôi trồng thủy sản, mà còn là công cụ để góp phần phát triển du lịch. Anh nông dân - thợ mộc của vùng rừng M’Đrăk đang cố làm tất cả những gì có thể, để trong tương lai gần, những con trai đen cánh dày sẽ không chỉ được thả trong các ao hồ ở Tây Nguyên, mà còn có trong các bể sinh thái ở các khu du lịch, sẵn sàng nhả ra những viên ngọc, trở thành món hàng trang sức quý giá và theo đó là một câu chuyện về sự cần lao, nhẫn nại và chân chất của đất và người Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương rất ghi nhận tính tiên phong của anh Nghiêm Quang Tuấn khi tự mình đi học hỏi rồi về áp dụng thực tế mô hình nuôi trai lấy ngọc. Huyện đang tổ chức đánh giá hiệu quả kinh tế, xác định các yếu tố phù hợp để có thể nhân rộng.

“Trước mắt chúng tôi sẽ nghiên cứu và giúp định hướng cho mô hình này. Đồng thời tổ chức các buổi hội thảo để học tập, làm công tác truyền thông để việc nhân rộng mô hình đạt hiệu quả cao nhất”, ông Thập hào hứng./.

Trai ngọc nước ngọt được nuôi ở nhiều tỉnh của nước ta, kích thước có thể đến 18mm, phổ biến các màu trắng, hồng, vàng nhạt. 1 con trai ở Việt Nam phổ biến được cấy ít hơn 4 nhân, và thường được nuôi trong 2 năm. Ở Trung Quốc, 1 con trai nước ngọt có thể được cấy đến 20 - 30 nhân, thậm chí là 80 nhân để chạy theo sản lượng. Chính vì vậy, viên ngọc trai nước ngọt loại này thường mềm hơn, có lớp xà cừ mỏng, kích thước nhỏ. Những viên ngọc này sẽ được xử lý, nhuộm màu, trông long lanh, nhưng rẻ tiền, dễ nhầm lẫn với hàng đắt tiền. Trên các shop online, có thể dễ dàng tìm thấy những chuỗi ngọc trai nước ngọt được rao bán chỉ với giá dưới 1 triệu đồng, chỉ bằng 1 viên “ngọc trai thứ thiệt”.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận