Những người tận tụy nơi tuyến đầu chống dịch

Trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế thuộc vùng Tây Nguyên chính là những chiến sĩ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh.

 

Kể từ Tết Nguyên đán đến nay, các y bác sĩ cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19 thì tại Đắk Lắk dù chưa có ca nhiễm bệnh, nhưng tỉnh này đã tiếp nhận, cách ly và theo dõi 31 trường hợp đến từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với những người đến từ vùng dịch.

Trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk và khoa truyền nhiễm của bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chính là những chiến sĩ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh.

Dù dịch bệnh làm nhiều người e ngại, bất an nhưng họ vẫn can đảm, tận tụy, thầm lặng làm việc vì sự an toàn của người bệnh và cộng đồng. Những đóng góp của họ được cả xã hội ghi nhận và trân trọng.

Đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk kiểm ta yếu tố dịch tễ cho bệnh nhân nghi nhiễm tại huyện Ea H'leo.

Cả tháng nay, các nhân viên y tế của 7 đội phản ứng nhanh phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk luôn tất bật với guồng quay công việc.

Ông Trần Kim Long, Phụ trách khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, mỗi ngày, đường dây nóng của ngành y tế tiếp nhận khá nhiều tin báo từ phía cơ quan chức năng và người dân về các trường hợp đi về từ vùng có dịch. Khi nhận được tin báo, Trung tâm đều cử cán bộ, nhân viên đi xác minh và tư vấn, hướng dẫn cho người dân. Trường hợp nào cần cách ly thì chuyển về Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.

Theo ông Trần Kim Long, công việc của những người làm dự phòng gặp rất nhiều rủi ro vì họ phải đối mặt với những con virus vô hình. Họ không thể biết trong những người dân trong vùng dịch mà họ tiếp xúc, những góc nhà, ngõ xóm mà họ đi qua, rác thải mà họ thu gom liệu có virus tiềm ẩn hay không.

Khu cách ly để chăm sóc, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, nhiễm Covid 19 tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

“Từ ngày mùng 3 đến mùng 6 Tết, chúng tôi đi làm miết. Cứ nhận được điện hoặc phát hiện trường hợp nghi nhiễm dù ban đêm cũng đi luôn. Việc mình làm như chiến sĩ thầm lặng vậy. Nhưng tất cả vì cộng đồng vì nếu lơ là bỏ sót những đối tượng nghi mắc Covid-19 thì rủi ro cực kỳ nguy hiểm”, ông Trần Kim Long chia sẻ.

Cùng với các nhân viên y tế trong đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, các bác sĩ trực tiếp chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân nghi nhiễm, cách ly hoặc chẳng may mắc Covid-19 tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên luôn luôn trong tư thế sẵn sàng.

Bác sĩ đa khoa Trần Hoàng Yến Nhi, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, ngày 12/2, chị được lãnh đạo Khoa phân công tiếp nhận và tiến hành các bước thăm khám cho bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 đến từ vùng dịch Sơn Lôi, Vĩnh Phúc. Dù đã nhiều lần trải nghiệm công tác phòng chống dịch với ít nhiều kinh nghiệm, nhưng chị cũng không khỏi lo lắng, bởi nếu bệnh nhân mắc bệnh thì mình sẽ là người có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, chị đã vượt qua những lo lắng ban đầu để toàn tâm chăm sóc cho bệnh nhân.

Bác sĩ tới tận nhà đối tượng đi từ vùng dịch trở về để lấy mẫu xét nghiệm.

“Tôi là người đầu tiên nhận ca bệnh từ Vĩnh Phúc về nên không tránh khỏi tâm lý lo lắng. Nhưng khi đã quyết định công tác ở đây thì mình phải chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng để có thể tiếp xúc và điều trị cho những bệnh nhân từ nghi ngờ đến có thể mắc bệnh. Theo tôi quan trọng nhất là chú ý đến dịch tễ của bệnh nhân và không quá hoang mang, nhưng cũng không quá chủ quan rồi cứ làm theo các bước của Bộ Y tế”, bác sĩ Trần Hoàng Yến Nhi cho hay.

Công tác tại Khoa truyền nhiễm gần 18 năm, bác sĩ chuyên khoa 1 H’Nuen Hđơk đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch. Bác sĩ H’Nuen Hđơk cho biết, từ ngày dịch bùng phát đến nay, khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận 7 trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Rất may là những bệnh nhân này đều có kết quả âm tính và đã được xuất viện sau 14 ngày cách ly. Theo bác sĩ H’Nuen Hđơk, dù chưa có dịch, nhưng công tác phòng dịch luôn được đội ngũ y, bác sĩ trong khoa đặt lên hàng đầu. Và chị cũng xác định nếu không may có bệnh nhân dương tính cũng sẽ ở lại bệnh viện để cách ly và toàn tâm chăm sóc cho bệnh nhân.

“Từ khi phát hiện dịch, khoa truyền nhiễm chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng và chuẩn bị rất kỹ. Khi có tin từ phòng cấp cứu lưu báo có 1 ca nghi ngờ từ vùng dịch về thì chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng đón bệnh nhân. Khi vào đây chúng tôi sàng lọc thêm một lần nữa, nếu thấy có đủ điều kiện nằm trong giám sát 343 thì chúng tôi sẽ cho bệnh nhân đó cách ly và báo cáo trưởng khoa, báo các CDC, tiến hành lấy dịch tiết họng làm xét nghiệm. Nếu có trường hợp dương tính, chúng tôi sẽ tiến hành cách ly cho người bệnh và không được về nhà. Rất may là hiện nay Đắk Lắk 7 ca đều âm tính hết”, bác sĩ H’Nuen Hđơk cho hay.

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên có 25 bác sĩ, y tá và điều dưỡng. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, theo chỉ đạo của lãnh đạo bệnh viện, Khoa đã thành lập khu cách ly riêng biệt với 200 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm bệnh Covid-19.

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bình thường công việc tại khoa vốn dĩ đã nhiều, lượng bệnh nhân nhập viện đông, nay lại phải căng sức để đối phó với dịch bệnh Covid-19 nên đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ phải nỗ lực gấp đôi để làm tốt nhiệm vụ.

“Tình hình hiện tại mặc dù chưa có bệnh nhân nhưng đối với thế giới, đặc biệt Trung Quốc và các nước lân cận thì dịch này đang diễn biến phức tạp. Ngay từ mùng 4 Tết bệnh viện đã có triệu tập họp và thành lập ban chỉ đạo và có chỉ đạo rất sát sao. Đặc biệt giao nhiệm vụ chủ đạo cho khoa Truyền nhiễm. Thống nhất quan điểm chỉ đạo của Trung ương đó là chống dịch như chống giặc thì cho đến giờ phút này thì tình hình vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát tốt. Tôi nghĩ điều đem lại hạnh phúc lớn lao nhất cho những người làm truyền nhiễm đó là bệnh nhân được ra viện, lành bệnh và điều quan trọng nữa là không để dịch lây lan và kiểm soát tốt những trường hợp có thể lây chéo từ khoa nhiễm, từ bệnh viện mà ra”.

Có thể thấy rằng, dù phải đối mặt với môi trường làm việc nguy cơ cao, nhưng với lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch vẫn luôn sẵn sàng vì người bệnh. Những cống hiến và hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 góp phần mang lại niềm tin cho bệnh nhân và sự yên tâm cho cộng đồng./.

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận