Gác rừng mùa khô

Giữa những khoảnh rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, có những con người ngày đêm căng sức gác rừng, phòng giặc lửa…

 

Những đôi mắt giữ rừng

Con đường Bà Hào là độc đạo từ thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) xuyên thẳng vào lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Hai bên đường là những cánh rừng bạt ngàn. Sau hơn 20 năm đóng cửa rừng, hệ sinh thái rừng nơi đây đã dần phục hồi, trở thành vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, nơi được mệnh danh là “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam bộ, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Đốt chủ động, tạo đường băng cản lửa là việc quan trọng ngăn cháy lan trong trường hợp xảy ra cháy.        Ảnh: Xuân Lượng

Giữa tháng 3, cao điểm mùa khô, Nam bộ nắng như đổ lửa. Phóng tầm mắt ra xa, còn đường nhựa như nhòe đi bởi luồng không khí nóng bốc lên.

Vừa tới cửa rừng, đập vào mắt chúng tôi là biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, mũi tên đã chỉ vào màu đỏ rực: cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Đi xuyên qua những tán cây rừng, cái khốc liệt của mùa khô hiện lên rõ mồn một dưới lớp lá khô lạo xạo vỡ vụn dưới mỗi bước chân, tiếng cành cây gãy khô khốc mỗi khi có ai đó va vào. Đã lâu lắm rồi, suốt nhiều tháng trời, ở đây không có mưa. Có người nói vui, chỉ cần một tàn thuốc vô ý thức là “tiêu” cả cánh rừng.

Đi cùng, hướng dẫn chúng tôi là các kiểm lâm viên của Hạt kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Sau khi thị sát dọc tuyến đường Bà Hào, nơi đầu tiên các anh dẫn chúng tôi đến không phải là trạm kiểm lâm, mà là một chòi gác cao chót vót, nơi làm việc của những “đôi mắt giữ rừng”.

Chòi quan sát làm bằng sắt, sơn màu xanh lá, cao khoảng 25m, nghĩa là vượt qua phần lớn những tán rừng cao nhất. Đứng trên chòi người ta dường như cảm thấy bầu trời cao hơn, rộng hơn, và quan trọng nhất, có thể nhìn rõ những cánh rừng bạt ngàn, xa tít tắp. Đây là nơi làm việc hằng ngày của ông Phạm Ngọc Hải (54 tuổi), ngụ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Ông được hợp đồng làm nhiệm vụ trực phòng, chống cháy rừng với Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn.

Ngày làm việc của ông Hải kéo dài từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Công việc của ông là quan sát từ chòi canh để đảm bảo không có gì bất thường, và nếu có những đám khói nhỏ thì nhanh chóng xác định vị trí để đến kiểm tra và thông báo cho lực lượng kiểm lâm. Gần 10 năm làm công việc giữ rừng mùa khô, ông Hải hiểu được tầm quan trọng của công việc mình đang làm.

Lực lượng kiểm lưng tuần rừng, gác trực 24/24.      Ảnh: Xuân Lượng

“Công việc này không quá vất vả nhưng căng thẳng thì luôn thường trực. Có khi buồn ngủ lắm mà không dám ngủ, mà trách nhiệm cũng không cho phép mình ngủ, nhiều lúc cao điểm phải ăn uống tít trên chòi canh luôn. Mùa khô năm nay căng thẳng quá, không có mưa trái mùa nên không khí khô rang, một phút tôi cũng không dám lơ là”, ông Phạm Ngọc Hải cho hay.

Một tiêu chí quan trọng của những nhân viên gác rừng đặc biệt ở đây, là phải là người địa phương có nhiều kinh nghiệm và có cả uy tín đối với cư dân sinh sống xen kẽ trong Khu bảo tồn. “Các anh, các chú gác rừng không chỉ cần có sức khỏe, mà rất cần kinh nghiệm. Các chú có thể nhìn cột khói và phán đoán chính xác vị trí có khói để xử lý nhanh. Điều này người bình thường chưa chắc làm được”, ông Phạm Văn Nông, Trưởng bộ phận Quản lý bảo vệ rừng (Hạt kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) chia sẻ.

Giữ rừng bằng mọi giá

Suốt từ tháng 2, những kiểm lâm viên ở cả 19 trạm kiểm lâm Hạt kiểm lâm Khu Bảo tồn hầu như không ai xin nghỉ phép (trừ những người có chuyện gia đình hệ trọng như ma chay, cưới hỏi). Giữa cao điểm mùa khô, cảnh báo cháy cao nhất, tất cả đều căng sức bám rừng.

Kiểm lâm viên Hà Văn Lĩnh (27 tuổi) đã gần một tháng không về thăm gia đình. Vợ và con nhỏ đang ở Bình Phước, cách nơi Lĩnh làm việc ngót nghét 100 cây số. Theo quy định, khoảng 1 tuần Lĩnh cũng như các anh em kiểm lâm ở Trạm kiểm lâm Suối Trau (Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn) sẽ được về nghỉ 1 ngày, cứ thế thay phiên nhau. Nhưng những ngày này, ở đây không ai còn nghĩ đến chuyện về thăm nhà, toàn bộ 66 điểm gác của các trạm kiểm lâm Khu bảo tồn đều trong chế độ trực 24/24.

Ông Phạm Ngọc Hải trao đổi với lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn về nguy cơ cháy rừng.              Ảnh: Xuân Lượng.

“Làm kiểm lâm thì mùa nào cũng vất vả, suốt ngày ở trong rừng. Xa vợ con, gia đình thường xuyên nên nhớ lắm! Nhưng mình đã chọn nghề này thì phải chấp nhận, giữ được rừng mới là quan trọng nhất. May mắn là vợ con hiểu công việc của mình nên lúc nào cũng động viên. Qua được mùa khô này chắc mình sẽ xin nghỉ phép vài ngày về với gia đình cho thỏa”, kiểm lâm viên Hà Văn Lĩnh cười hiền.

Hằng ngày, Lĩnh cùng anh em đồng nghiệp liên tục di chuyển trong các khoảnh rừng do trạm Suối Trau quản lý, vừa giám sát cháy, vừa tiến hành phát dọn thực bì, đốt chủ động tại các khu vực đã lên kế hoạch tạo đường băng cản lửa. Máy thổi gió trên vai Lĩnh kêu ù ù, luồng gió mạnh cuốn bụi bốc lên mù mịt, những lớp lá khô được gom lại thành hàng, thành đống. Một kiểm lâm viên khác châm lửa, đám lửa bùng lên nhưng đây không phải là mối nguy, mà là giải pháp an toàn để ngăn cháy lan trên diện rộng trong trường hợp xảy ra cháy. Và họ chỉ rời đi khi đám lửa đã được dập tắt hoàn toàn, không được phép bỏ sót dù chỉ một tàn lửa nhỏ.

Cháy rừng có thể xuất phát từ hiện tượng tự nhiên như sét, phát cháy từ bùn đất…, nhưng thực tế cho thấy đa phần cháy rừng đều xuất phát từ yếu tố con người tác động (đốt rẫy, hút thuốc lá, nấu nướng...). Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai trải dài trên diện tích khoảng 67.000ha, đặc biệt có nhiều khu vực cư dân, đồng bào các dân tộc ít người sinh sống, canh tác đan xen với rừng nên mỗi mùa khô đến, nguy cơ cháy rừng do con người tác động luôn là một thách thức lớn nhất của công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô.

Chỉ một tàn lửa nhỏ từ đốt rẫy, đốt rác hay một mẩu thuốc lá vứt bừa là đủ gây ra hậu quả nặng nề. Thế nên, ngoài việc phòng, chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), thì công tác tuyên truyền, vận động người dân cũng là công việc không thể thiếu của lực lượng kiểm lâm khu bảo tồn. “Quan trọng là phải được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, vì lực lượng kiểm lâm có đông đến đâu thì cũng không thể “gánh” nổi diện tích rừng quá lớn. Nên anh em kiểm lâm thường xuyên phải đến tận nơi gặp gỡ, tuyên truyền cho bà con hiểu, qua đó ý thức được nguy cơ cháy và sự quan trọng của việc phòng chống cháy rừng mùa khô. Làm sao giúp dân hiểu rừng, yêu rừng thì sẽ không gây hại đến rừng”, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai chia sẻ./.
 

“Làm sao giúp dân hiểu rừng, yêu rừng thì sẽ không gây hại đến rừng”.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận