CT chính luận - nghệ thuật 'Muôn vàn tình thương yêu': nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn

Kỷ niệm 50 năm Bác Hồ đi xa, đêm 21/8, CT chính luận-nghệ thuật đặc biệt 'Muôn vàn tình thương yêu' diễn ra tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Nghệ An và TP Hồ Chí Minh.

 

Kỷ niệm 50 năm Bác Hồ đi xa, 50 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp cùng tỉnh Nghệ An - quê Bác và Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác, tổ chức Chương trình chính luận – nghệ thuật mang tên: “MUÔN VÀN TÌNH THƯƠNG YÊU”. Chương trình diễn ra tại 3 điểm cầu: Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Trung tâm Phát thanh Quốc gia - 58 Quán Sứ - Hà Nội); Khu Di tích lịch sử Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, và Bến Nhà Rồng – một di tích lịch sử đặc biệt của thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình Chính luận - Nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu” do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN trực tiếp chỉ đạo; Nhà báo Trần Đăng Tuấn xây dựng kịch bản; Nhà báo - NSƯT Lê Thụy làm Tổng đạo diễn cùng sự tham gia của hơn 200 nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn Ca múa Dân gian Nghệ An, Vũ đoàn Âu Cơ, Vũ đoàn Bạch Dương, Vũ đoàn Phương Việt, Dàn hợp xướng Người Sài Gòn…; sự phối hợp sản xuất của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An. Chương trình được truyền hình trực tiếp từ 20h15 đêm 21/8 trên các kênh: VTC1, VTC3, VTC10, Kênh Truyền hình Vietnam Journey, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV), Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An (NTV) và nhiều Đài phát thanh – truyền hình trong cả nước; được phát thanh trực tiếp trên các kênh sóng: VOV1, VOV2, VOV3, VOV4; được phát trực tuyến trên các báo điện tử: VOV.VN, VTC News, trang điện tử VOVWORLD.VN và ứng dụng VOV Media.

Đến dự Chương trình chính luận - nghệ thuật đặc biệt “Muôn vàn tình thương yêu” tại điểm cầu Hà Nội có: Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Ông Vương Đình Huệ, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Phó thủ tướng Chính phủ; Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương; Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Ông Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Chương trình có sự tham dự của các Ủy viên Trung ương Đảng: Ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch -Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; Ông Đào Việt Trung, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Ông Sơn Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương; Ông Điểu K'Ré, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam; Ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Tham dự chương trình còn có lãnh đạo các Ban bộ ngành Trung ương, Thủ đô Hà Nội, tỉnh thái Nguyên, tỉnh Tuyên Quang. Chương trình còn được đón tiếp các vị khách quốc tế, Đại sứ Cuba tại Việt Nam Lianys Torres Rivera và đại diện một số Đại sứ quán các nước tại Việt Nam.

Tại Ban thờ Bác Hồ trong không gian Phòng truyền thống của Đài Tiếng nói Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các lãnh đạo thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại điểm cầu TPHCM, dự Chương trình có: Ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực thành ủy TP.HCM; Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Bà Tô Thị Bích Châu, Phó Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM; Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Chương trình có sự hiện diện của Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, các sở ban, ngành, đoàn thể cùng đông đảo các tầng lớp nhân TP.HCM.

Dự Chương trình tại điểm cầu Di tích Kim Liên có: Ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Nghệ An; Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An; Ông Thái Thanh Quý, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Thiếu tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4. Chương trình được đón đoàn Ủy ban bảo vệ Cách mạng Cuba, do ông Carlos Rafael Miranda Martinez, Ủy viên BCH Trung ương Đảng cộng sản Cuba, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba dẫn đầu. Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, đại diện các ban ngành, đoàn thể cùng đông đảo nhân dân huyện Nam Đàn và tỉnh Nghệ An.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam và các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Trọng Phú

Hồ Chí Minh – người con xứ Nghệ sinh ra trong một ngày tháng 5 nơi vùng quê nghèo. Người sớm tiếp thu tinh thần yêu nước, thương dân. Người đã cùng gia đình từ quê vào kinh đô Huế, rồi vào Phan Thiết, đến cảng Sài Gòn. Năm 1911, Người ra đi tìm đường cứu nước. Hành trình của Người từ đó gắn liền với lịch sử dân tộc, có đích đến là độc lập, tự do cho dân tộc, là hạnh phúc cho nhân dân. Suốt cả cuộc đời vì nước, vì dân, trước khi về với thế giới người hiền, Người đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân ta và cả bạn bè quốc tế.

Tiết mục Từ Làng Sen tại điểm cầu TPHCM.

Mở đầu chương trình, trên sâu khấu tại 3 điểm cầu, các nghệ sĩ thể hiện Bài hát Lãnh tụ ca, sáng tác nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, lời Nguyễn Đình Thi, Lưu Hữu Phước, do hợp xướng thể hiện.

NSƯT Doãn Nguyên chỉ huy  Hợp xướng Đài TNVN, Hợp xướng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Đài TNVN cùng Vũ đoàn Phương Việt. Ảnh: Vũ Toàn

Tiếp đó là Phóng sự “Tình cảnh nông dân Việt Nam đầu thế kỷ XX” nói về cuộc sống khốn khổ của người dân dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Các phong trào, khởi nghĩa được khởi xướng nhưng đều bị dập tắt. Thấu hiểu cuộc sống cơ cực, lầm than của người dân Việt Nam, ngày 5/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng, người ta thấy một tấm giấy lên tàu của một người phụ bếp ký tên là Văn Ba. Con tàu rời bến cảng Nhà Rồng hướng đến phương Tây, trước hết là nước Pháp. Đó là hành trình đầu tiên trong quá trình tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Tốp ca thể hiện ca khúc: Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân tại sân khấu điểm cầu TPHCM. Ảnh: Nguyễn Quang

Tiếp theo chương trình là hoạt cảnh Sen Tỏa tại đầu cầu Nghệ An do các diễn viên Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An và Vũ đoàn Phương Việt thể hiện. Trên nền âm nhạc mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ, các diễn viên nữ trong trang phục của phụ nữ thôn quê miền Trung, trên tay nâng những đóa sen hồng, cùng các em nhỏ đang vui đùa ca hát. Hoạt cảnh làm nổi bật nền văn hóa xứ Nghệ, mảnh đất nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra.

Ca sĩ Thành Lê thể hiện ca khúc của Nhạc sĩ Phạm Tuyên tại điểm cầu Nghệ An.

Phóng sự “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã trải qua chặng đường đấu tranh đầy gian khổ. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi và ngày 2/9/1945 đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cả dân tộc vỡ òa niềm hạnh phúc trong từng câu tuyên bố chủ quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Nhân dân bước vào công cuộc trường kỳ kháng chiến. Chiến thắng điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu trở thành một bước ngoặt lịch sử, một mốc son chói lọi của Việt Nam ở thế kỷ 20.

Tiếp đó là vở kịch “Đêm giao thừa”, xây dựng từ hồi tưởng của bác Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần Bác đến chúc Tết gia đình chị gánh nước thuê vào đêm 30 Tết.

Hình ảnh sân khấu Bác Hồ trong một lần đến chúc Tết gia đình chị gánh nước thuê vào đêm 30 Tết.

Vở kịch mang tên “Nỗi đau” nói về nỗi âu lo, canh cánh của Bác trước việc cán bộ, đảng viên tha hóa biến chất. Chủ tịch Hồ Chí Minh phải quyết định bác giảm án, y án tử hình một phần tử tham nhũng được xét xử đầu tiên trong lịch sử Nhà nước mới, đó là Đại tá quân nhu Trần Dụ Châu. Xem kịch “Nỗi đau”, khán giả nhớ về Bác và thấm thía nỗi trăn trở, lo lắng của Người trước khi đi xa rằng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Trong Di chúc của Người, nội dung trước nhất được đề cập là nói về Đảng. Điều này cho thấy mối quan tâm lớn nhất, sâu sắc nhất của Người là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng vẫn đang được tiếp tục với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Người dân Nghệ An theo dõi chương trình

Tiếp theo là vở kịch mang tên: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Qua những câu chuyện kể, hoạt cảnh sân khấu đã khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh hết mực yêu nước, thương dân, yêu thương con người. Người chăm lo xây dựng Đảng, tình đồng chí, sự đoàn kết, gương mẫu trong Đảng.

Các nghệ sĩ diễn vở kịch 'Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau'

Bác Hồ luôn luôn dành những tình cảm đặc biệt với quê hương. Trước lúc đi xa, ngoài bản Di chúc thiêng liêng cho cả nước, Người còn có Lá thư cuối cùng gửi Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đề ngày 21/7/1969. Tỉnh Nghệ An coi đây là bản Di chúc Bác dành riêng cho tỉnh. Nghe theo lời Bác, Nghệ An đang phát triển mạnh mẽ, trở thành tỉnh khá của miền Bắc.

10 năm đầu sau ngày giải phóng, cùng với cả nước, TPHCM đối đầu nhiều khó khăn chồng chất. Kiên định thực hiện Di chúc, nỗ lực vượt qua khó khăn, TPHCM có bước đi đột phá, đóng góp 24% GDP quốc gia, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Bên cạnh những mục tiêu tăng trưởng, TPHCM cũng đang quyết tâm giải quyết những vấn đề nhức nhối lâu nay. Với những gì đã làm được, TPHCM đang từng bước hiện thực hóa điều Bác Hồ mong đợi: Thắng lợi rồi, chúng ta xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Đã 50 năm Bác Hồ kính yêu của chúng ta về với cõi người hiền. Vĩ đại mà khiêm nhường, minh triết mà giản dị, trong từng câu chữ Người viết, từng hành động Người làm đều chứa đựng những bài học lớn lao. Ngày hôm nay, chúng ta nhớ Bác là nhớ về tình thương yêu bao la của Người, đồng thời cũng không quên những bài học mà Người đã để lại cho hậu thế trong Bản Di chúc bất hủ và thiêng liêng. Qua chương trình đặc biệt "Muôn vàn tình thương yêu", người xem, người nghe cảm nhận nhiều câu chuyện xúc động về thân thế và sự nghiệp cách mạng bình dị mà vĩ đại của Bác Hồ. Ước mong cháy bỏng của Bác: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Xuyên suốt chương trình là những hồi ức, những câu chuyện kể, những tác phẩm âm nhạc, hoạt cảnh sân khấu khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh hết mực yêu nước, thương dân, yêu thương con người. Người chăm lo xây dựng Đảng, tình đồng chí, sự đoàn kết, gương mẫu trong Đảng. Người yêu cầu “mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư… phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng hoa các nghệ sĩ tại điểm cầu Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh: Vũ Toàn

Chương trình chính luận – nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu” thể hiện tình cảm kính yêu, lòng biết ơn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta nguyện phấn đấu thực hiện di nguyện của Bác; đoàn kết, đồng lòng, phát huy trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; để hai tiếng Việt Nam – Hồ Chí Minh luôn luôn được vang lên kiêu hãnh, tự hào./.

VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận